Nga có thể đóng vai trò lớn hơn tại Afghanistan sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi đây. (Nguồn: AP) |
Tuần trước, Nga điều động xe tăng tới khu vực biên giới Tajikistan-Afghanistan để tập trận, nhằm bảo vệ đồng minh trước những kịch bản xấu nhất, trong bối cảnh Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự kéo dài 20 năm tại Afghanistan và lực lượng Taliban đang chiếm ưu thế so với Kabul.
Moscow cũng đi đầu trong tiếp cận Taliban. Năm 2018, Nga tổ chức một đoàn đại biểu để thúc đẩy tiến trình hòa bình thông qua đàm phán, dù vẫn coi Taliban là một tổ chức khủng bố.
Theo ông Asfandyar Mir, học giả tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại Đại học Stanford (Mỹ), Moscow không muốn có một chế độ do Washington bảo trợ ở “sân sau” của mình.
Tuần trước, Đại diện đặc biệt của Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov đã mô tả ưu thế của Taliban sẽ “củng cố an ninh của Nga”, bởi nó có thể đánh bật các nhóm Hồi giáo cực đoan nguy hiểm hơn. Ông cho rằng về tổng thể, sự rút lui của Mỹ khỏi Afghaninstan có thể mang lại lợi ích cho Nga.
Song ông Arkady Dubnov, nhà chính trị học người Nga và chuyên gia Trung Á, lại nghĩ khác: “Việc Moscow công khai ủng hộ một bên và cố gắng hạn chế ảnh hưởng của bên còn lại là tương đối rủi ro”.
Moscow từng phải hứng chịu vết thương nặng nề trong quá khứ từ xung đột kéo dài một thập niên của Liên Xô tại Afghanistan, sau khi lực lượng du kích của Mujahideen buộc nước này rút quân.
Song ý đồ của ông Putin có lẽ không chỉ dừng ở Afghanistan. Nga muốn khôi phục ảnh hưởng tại Trung Á như thời Liên Xô, đóng vai trò người đảm bảo an ninh cho phần lớn lục địa Á-Âu.
Cụ thể hơn, Nga đã nhiều lần kêu gọi mở rộng đối thoại trong khuôn khổ diễn đàn do nước này khởi xướng như Liên minh Kinh tế Á-Âu trong đó có Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), khối quân sự gồm các quốc gia trên và Tajikistan.
Tuy nhiên, còn đó rủi ro cho Moscow. Ông Dmitri Trenin, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Carnegie ở Moscow nhận định: “Tình hình chuyển biến xấu tại Afghanistan sẽ là bài kiểm tra thực sự với CSTO về khả năng đảm bảo an ninh khu vực”.
Ông cho rằng, cả Nga lẫn các quốc gia Trung Á không có tài nguyên, lý do hay mong muốn để can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Afghanistan.
Thêm vào đó, giới chuyên gia đều không loại trừ khả năng Taliban chiếm đóng Afghanistan, một phần hay toàn bộ, sau khi Mỹ rời đi.
Trước bài toán này, chuyên gia Arkady Dubnov cho rằng, Nga có thể cung cấp “lời khuyên” với Taliban về cách thức điều hành đất nước, dù đề xuất này tương đối mơ hồ: “Họ rất khó khuyên nhủ và thường muốn các hỗ trợ thực chất về tài chính hơn, thứ Nga chưa sẵn sàng cung cấp”.
Ông Harsh Pant, Giám đốc nghiên cứu của Quỹ nghiên cứu người quan sát (ORF) tại New Delhi cho rằng ngay cả khi rút khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn tại đây: “Mọi quốc gia liên quan đều đang chờ xem chính quyền ông Joe Biden sẽ làm gì tiếp. Washington vẫn còn nhiều lá bài trong tay”.
| Nhà Trắng yêu cầu Quốc hội chi 1 tỷ USD 'mở đường thoát thân' cho đồng minh Afghanistan Ngày 27/7, hãng Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội phân bổ 1 ... |
| Tình hình Afghanistan: Trung Quốc ra cam kết, Taliban tuyên bố không để Kabul bị lợi dụng Ngày 28/7, một phái đoàn các nhà đàm phán của Taliban đang ở Trung Quốc để thảo luận về tình hình Afghanistan trong bối cảnh ... |