📞

Vai trò của ngoại giao trong ngăn ngừa chạy đua vũ trang: Bức tranh đa sắc màu (kỳ 1)

Vũ Đăng Minh 10:00 | 25/10/2020
TGVN. Xu hướng chạy đua vũ trang, trong đó vũ khí hạt nhân là “át chủ bài” nhằm khẳng định ưu thế tuyệt đối của các cường quốc, khiến thế giới luôn sống trong sợ hãi.
Ngoại giao có thể làm gì để thực hiện lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân có tầm quan trọng sống còn không chỉ đối với 1 quốc gia đơn lẻ mà đó là vì sự sống của cả loài người”.
Chạy đua vũ trang vừa tốn kém vừa làm gia tăng thách thức an ninh.

Thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức an ninh phức tạp. Nguồn lực để ngăn ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa chưa đủ, nhưng vẫn tồn tại một xu hướng tốn kém, làm gia tăng thách thức an ninh là chạy đua vũ trang.

Chạy đua vũ trang diễn ra dưới nhiều hình thức, nội dung: Điều chỉnh chiến lược, chính sách quốc phòng; ngân sách quốc phòng; nghiên cứu chế tạo vũ khí mới; xuất nhập khẩu vũ khí trang bị quân sự; điều chỉnh bố trí lực lượng; diễn tập quân sự..., trên các châu lục, ở nhiều quốc gia, phát triển cũng như chậm phát triển.

Nước lớn coi nhau là mối đe dọa hàng đầu

Trong những năm gần đây, nhất là từ 2019-2020, chính sách, chiến lược quốc phòng của các nước, nhất là các nước lớn có nhiều thay đổi, trước hết là việc xác định thách thức an ninh, quốc phòng và trọng tâm chiến lược.

Mỹ xác định thách thức an ninh lớn nhất là cạnh tranh chiến lược từ Trung Quốc, Nga; không gian vũ trụ trở thành môi trường chiến lược quan trọng nhất và mối đe dọa từ không gian mạng gia tăng.

Mỹ chú trọng phát triển lực lượng tác chiến không gian vũ trụ; điều chỉnh bố trí lực lượng, trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu; triển khai lực lượng chiến lược ở các nước đồng minh, đối tác, áp sát Nga, kiềm chế Trung Quốc.

Đáp lại, Học thuyết quân sự Nga năm 2020 đề ra chính sách răn đe với 4 kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân khi: (i) Kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt lớn; (ii) Kẻ thù sử dụng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của Nga; (iii) Có thông tin tin cậy về việc kẻ thù sắp tiến công Nga và đồng minh bằng tên lửa đạn đạo; (iv) Kẻ thù tiến công phá hoại cơ sở quân sự, hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng lực hạt nhân của Nga.

Nga xây dựng lực lượng hàng không vũ trụ (AFRF), điều chỉnh bố trí chiến lược, sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ Mỹ và NATO.

Trung Quốc xác định Mỹ là đối tượng số 1, chỉ trích NATO phát triển sang hướng Đông; tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga nhằm đối phó với Mỹ và đồng minh.

Kiểm soát Biển Đông vẫn là trọng tâm chiến lược của Trung Quốc. Họ điều chỉnh bố trí lực lượng, hình thành 5 tuyến phòng thủ trên 5 chuỗi đảo ở Biển Đông, ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù từ xa; đồng thời sẵn sàng đối phó với tình huống Đài Loan ly khai.

Mỹ xác định thách thức an ninh lớn nhất là cạnh tranh chiến lược từ Trung Quốc, Nga; không gian vũ trụ trở thành môi trường chiến lược quan trọng nhất và mối đe dọa từ không gian mạng gia tăng.

Nhật Bản xây dựng và hợp nhất sức mạnh dựa trên ba trụ cột: hệ thống phòng thủ riêng, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và hợp tác an ninh với các đồng minh, đối tác để có thể sử dụng sức mạnh quân sự vào bất cứ thời điểm nào khi cần, ngăn chặn, chống trả đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên.

Tăng cường phòng thủ Biển Hoa Đông, hợp tác hỗ trợ hậu cần quốc phòng với Ấn Độ để có thể mở rộng phạm vi phòng thủ từ xa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ, Australia xác định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực trọng tâm, điều chỉnh bố trí chiến lược, tăng cường sức mạnh, hợp tác an ninh, sẵn sàng đối phó với thách thức từ Trung Quốc và không gian vũ trụ, không gian mạng. Các nước khác tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức an ninh từ bên ngoài và bên trong.

Ngân sách quốc phòng tăng kỷ lục, chế tạo nhiều loại vũ khí hiện đại

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2019, các quốc gia đã chi 1.917 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 3,6%, mức cao nhất kể từ năm 1988.

Đứng đầu là Mỹ, khoảng 730 tỷ USD, thứ hai là Trung Quốc - 260 tỷ USD; Ấn Độ vượt Nga lên vị trí thứ ba với 71 tỷ USD, Saudi Arabia xếp thứ năm - 62 tr USD...

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại thách thức từ Nga và áp lực tăng ngân sách quốc phòng từ Mỹ, cũng như việc Mỹ giảm bớt lực lượng ở Trung Đông, nên cũng tăng ngân sách thêm 4,2%.

Năm 2020, do khó khăn của đại dịch Covid-19, ngân sách quốc phòng một số nước giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao.

Khoa học công nghệ ngày càng được ứng rộng rãi trong nghiên cứu cải tiến, chế tạo các loại vũ khí trang bị mới. Nhiều nước phát triển vũ khí hạt nhân, cả đầu đạn, phương tiện mang phóng (tên lửa, máy bay), có thể tấn công từ trên bộ, trên không, trên mặt nước, dưới mặt biển và trên không gian vũ trụ. Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử hạt nhân.

Mỹ không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) với Nga; Trung Quốc không đồng ý tham gia hiệp ước, càng làm cho cuộc chạy đua hạt nhân thêm phức tạp.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (Đại học Nagasaki, Nhật Bản), hiện Mỹ, Nga dẫn đầu với hơn 6.000 đầu đạn hạt nhân mỗi nước, Trung Quốc khoảng 320 và Pháp khoảng 290… Ngoài ra còn có Israel, Ấn Độ, Pakstan, Triều Tiên...

Mỗi đầu đạn hạt nhân hiện nay có sức hủy diệt gấp nhiều lần 2 quả bom Mỹ ném ở Nhật Bản trong Thế chiến II. Và như vậy, chỉ cần một dự báo, tính toán sai lầm, thế giới sẽ bị hủy diệt trong chớp mắt.

Tên lửa, máy bay, tàu chiến (tàu mặt nước, tàu ngầm) là những loại vũ khí được nhiều nước chú trọng cải tiến, phát triển. Mỹ đang nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ 6. Mỹ, Nga chú trọng nghiên cứu chế tạo tên lửa siêu thanh, xuyên lục địa (Avangard của Nga có vận tốc gấp 27 lần vận tốc âm thanh, có thể mang đầu đạn hạt nhân 2 Megaton), tên lửa phòng không; kết hợp với điều chỉnh bố trí lực lượng chiến lược, có thể đặt thủ đô và toàn bộ lãnh thổ đối phương trong tầm hỏa lực.

Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có vận tốc gấp 27 lần vận tốc âm thanh. (Nguồn: National Interest)

Nga, Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tên lửa diệt vệ tinh. Trung Quốc, ngoài chế tạo máy bay thế hệ mới (tiêm kích tàng hình J-20), tên lửa siêu thanh tầm xa (Dong Feng 17) mô phỏng công nghệ Nga; chú trọng phát triển các loại tàu chiến: tàu đổ bộ trực thăng Type 075, khu trục hạm Type 055, tàu sân bay Type 003, tàu ngầm…, kết hợp xây dựng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và một số đảo cải tạo thuộc quần đảo Trường Sa, có thể nhanh chóng triển khai lực lượng tác chiến, tiến công đảo, căn cứ, tàu chiến của các nước, kiểm soát Biển Đông.

Hệ thống định vị vệ tinh của Mỹ (GPS), Nga (Glonass), Bắc Đẩu (Trung Quốc) bảo đảm chỉ huy điều hành tác chiến từ trên không, trên vũ trụ, phối hợp tác chiến của đồng minh chính xác, nhanh chóng, kịp thời.

Vũ khí sinh học cũng được một số nước nghiên cứu phát triển. Nga, Mỹ và một số nước khác nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí theo nguyên lý mới như vũ khí laser, robot, vũ khí điện từ…, tiêu diệt sinh lực mà ít ảnh hưởng đến công trình, địa hình.

Các nước đang phát triển như Indonesia, Malaysia… nghiên cứu phát triển máy bay không người lái (UAV) có thể trinh sát, mang bom, tên lửa tiến công đối phương, rẻ tiền, hiệu quả cao, giảm thương vong.

Tiến công bất ngờ bằng chùm UAV đồng thời được sử dụng trong một số cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang gần đây ở Syria, Nagorno-Karabak… Tương lai sử dụng UAV “bầy” sẽ trở thành một thủ đoạn tác chiến nguy hiểm.

Thị trường xuất nhập khẩu vũ khí sôi động

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPR), trong giai đoạn 2015-2019, Mỹ, Nga đứng đầu nhóm các nước xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự. Mỹ chiếm 36% khối lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu, cho 96 nước, tỷ lệ của Nga là 21% cho gần 50 nước. Pháp, Đức, Israel, Trung Quốc… cũng đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự.

Xuất khẩu vũ khí không những mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ mà còn là một yếu tố tăng cường quan hệ đồng minh, đối tác. Nga bán vũ khí cho quân đội của chính quyền Tổng thống Syria giúp đồng minh đứng vững trước sự can dự của Mỹ, phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel; đồng thời bảo vệ lợi ích tại địa bàn chiến lược Trung Đông, củng cố lòng tin với đồng minh, đối tác.

Tương tự như vậy là việc Nga bán vũ khí cho các nước trong khu vực Kavkaz. Việc xuất, nhập khẩu vũ khí trang bị quân sự chịu sự chi phối của yếu tố chính trị. Khi xảy ra căng thẳng giữa Đài Loan và Đại lục, Mỹ lập tức tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan và cũng lập tức Trung Quốc tuyên bố phản đối.

Có giáo thì ắt phải có khiên. Để đối phó với nguy cơ, thách thức an ninh, các nước hạn chế về khoa học công nghệ, công nghiệp quốc phòng chủ yếu nhập khẩu vũ khí.

Nổi lên là khu vực Trung Đông (chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí). Ngay khi vừa hết hạn cấm vận vũ khí thông thường, Iran lập tức bày tỏ ý định nhập khẩu vũ khí từ Nga, Trung Quốc, nhất là tên lửa mặt đất, tên lửa phòng không, máy bay, xe tăng…

Trung Quốc, Ấn Độ vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu một số loại vũ khí hiện đại.

Chạy đua diễn tập quân sự

Chỉ trong quý III đến đầu quý IV/2020, liên tiếp diễn ra các cuộc diễn tập quân sự của nhiều nước, trên các khu vực khác nhau. Ngày 19/7, Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) tiến hành gần như đồng thời 2 cuộc diễn tập của hải quân Mỹ, Nhật Bản, Australia ở vùng biển Philippines và của hải quân Mỹ, Ấn Độ trên vùng biển Ấn Độ. Dự kiến tháng 11/2020, Bộ Tứ sẽ tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường niên mang tên Malabar.

Hải quân Mỹ-Nhật-Australia tập trận ở vùng biển Philippines, tháng 7/2020. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Australia)

Ngày 18/9, Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan đúng vào thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach thăm Đài Loan. Sau đó, ngày 28/9, Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (lần thứ 3 từ đầu năm) và ở các vùng biển Hoa Đông, Bột Hải, Hoàng Hải, có bắn tên lửa đạn đạo (lần thứ hai Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự đồng thời ở 4 khu vực).

Đầu năm 2020, Nga tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn ở ngoài khơi bán đảo Crimea. Trong quý III/2020, Nga tổ chức liên tiếp 2 cuộc diễn tập quân sự của lực lượng quân cảnh 3 quân khu và hạm đội Biển Bắc mang tên Strazh-2020 từ 18-21/8 và cuộc diễn tập quốc tế mang tên Kavkaz-2020 có sự tham gia của Trung Quốc, Armenia, Belarus, Myanmar và Pakistan từ 21-26/9, nhằm chống tên lửa hành trình, UAV và điều chỉnh kế hoạch thích ứng với thực tế…

Các nước nhỏ cũng tổ chức diễn tập quân sự nhằm nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng, đối phó với nguy cơ tiến công quân sự, xâm phạm chủ quyền và các vấn đề an ninh bên trong.

Họ cũng có thể tham gia diễn tập quân sự chung với các nước lớn để củng cố quan hệ, thể hiện thái độ với thách thức chung và nâng cao khả năng phối hợp tác chiến.

Các cuộc diễn tập quân sự dù theo kế hoạch hay đột xuất, nội bộ hay quốc tế, vừa nhằm nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng, sử dụng các loại vũ khí mới, nâng cao khả năng hợp tác với đồng minh, đối phó với các tình huống, vừa mang tính biểu tượng, răn đe đối phương.

(còn tiếp)