📞

Xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan: Ba rào cản 'hạ nhiệt'

Minh Vương 20:45 | 28/09/2020
TGVN. Thiếu vắng sự nhượng bộ, nỗ lực trung gian hòa giải hiệu quả, xung đột biên giới phức tạp và dai dẳng Armenia-Azerbaijan sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian ngắn. Bình luận của TG&VN.

Ngày 27/9, xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan liên quan tới chủ quyền vùng Nagorno-Karabakh đã bùng phát. Đến nay ít nhất 39 người đã thiệt mạng, trong đó phía lực lượng ly khai Armenia khẳng định có 15 “chiến binh” đã thiệt mạng.

Theo Bộ Quốc phòng Armenia, ngày 28/9, lực lượng nước này đã đánh bật lực lượng Azerbaijan khỏi vị trí chiếm được ngày 27/9. Tuy nhiên, phía Azerbaijan khẳng định quân đội nước này đang “tấn công các vị trí của đối phương bằng pháo và không quân… đồng thời chiếm được một số vị trí chiến lược xung quanh làng Talysh”.

Armenia đã áp đặt thiết quân luật và triển khai lực lượng ngày 27/9, trong khi Azerbaijan cũng có hành động tương tự và giờ giới nghiêm tại một số thành phố lớn.

Armenia - Azerbaijan có một lịch sử căng thẳng, xung đột phức tạp và dai dẳng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TASS)

Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia Olesya Vartanyan của nhóm Khủng hoàng Quốc tế nhận định: “Chúng ta đang ở cách chiến tranh cục bộ chỉ một bước chân… Một trong nhiều lý do chính khiến căng thẳng leo thang đến từ việc thiếu vắng nỗ lực trung gian hòa giải từ các bên thứ ba trong nhiều tuần liền”.

Căng thẳng phức tạp và dai dẳng

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, khi xung đột Armenia-Azerbaijan vô cùng phức tạp.

Thứ nhất, xung đột giữa hai bên bắt nguồn từ chủ quyền và an ninh vùng Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực có đa số người Armenia sinh sống, song lại nằm trong lãnh thổ của Azerbajian sau khi Liên Xô sụp đổ. Cùng năm, chính quyền nơi đây đã tuyên bố độc lập tách khỏi Azerbaijan và thành lập “Cộng hòa Artsakh”. Hành động này ngay lập tức gặp phản ứng mạnh từ phía Azerbaijan, khi đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia này.

Thứ hai, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài trong ba thập kỷ trở lại đây. Đối đầu giữa hai nước Liên Xô cũ từng bùng phát thành chiến tranh và chỉ kết thúc với hiệp định đình chiến năm 1994, song các vụ đụng độ nhỏ dọc biên giới vẫn xảy ra. Năm 2016, xung đột lớn nổ ra khiến hàng chục binh lính hai bên thiệt mạng.

Trước vụ đụng độ này ngày 27/9, ngày 12/7, đụng độ đã nổ ra và kéo dài trong 2 ngày, khiến 11 người Azerbaijan thiệt mạng, trong đó có hai sỹ quan cao cấp, Thiếu tướng Polad Hashimov và Đại tá Ilgar Mirzayev.

Dễ thấy đây là xung đột về lợi ích cốt lõi khó nhượng bộ và đã kéo dài ba thập kỷ. Vì thế, một giải pháp hòa bình bền vững xuất phát từ đàm phán song phương thời gian tới là khó khả thi.

Nhiều tuyên bố, ít hành động

Thứ ba, nhận thức được tình trạng đó, nhiều nỗ lực quốc tế đã được triển khai, song kết quả vẫn còn hạn chế. Từ năm 1992, các cuộc đối thoại tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này được tổ chức với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng sự tham dự của nhiều nước lớn như Nga, Mỹ, Pháp, Đức…, song xung đột vẫn nhiều lần tái diễn.

Đây là xung đột về lợi ích cốt lõi khó nhượng bộ và kéo dài ba thập kỷ. Vì thế, một giải pháp hòa bình bền vững xuất phát từ đàm phán song phương thời gian tới là khó khả thi.

Ngày 27/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, NATO quan ngại sâu sắc, kêu gọi các bên xung đột ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch vốn gây ra thương vong cho dân thường và cần nối lại đàm phán hòa bình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ “cực kỳ quan ngại trước việc tái diễn tình trạng thù địch”, đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh và trở lại đàm phán.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã liên lạc với hai nước để hối thúc chấm dứt lập tức các hành động thù địch, sử dụng các kênh liên lạc trực tiếp hiện có giữa hai bên để tránh leo thang thêm căng thẳng đồng thời, tránh những lời nói và hành động vô ích.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Armenia vào Azerbaijan” và khẳng định Armenia đã “vi phạm luật pháp quốc tế và không mong muốn xây dựng hòa bình và ổn định”, ủng hộ hết mình hành vi tự vệ của Azerbaijan.

Tuy nhiên, hầu hết phản ứng từ tổ chức, quốc gia nêu trên mới chỉ dừng lại ở phát ngôn và chưa được cụ thể hóa bằng hành động nhằm hạ nhiệt căng thẳng Armenia-Azerbaijian.

Một trong những bên tích cực nhất trong thúc đẩy tiến trình giảm căng thẳng Armenia-Azerbaijan là Nga. Năm 1994, trên cương vị trung gian hòa giải, Nga đã giúp hai bên ký hiệp định ngừng bắn, dù chưa thể giải quyết nguồn gốc của tranh chấp là chủ quyền và an ninh vùng Nagorno-Karabakh.

Khi xung đột bùng phát trở lại hồi tháng 7 và ngày 27/9, chính Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng kêu gọi Armenia và Azerbaijan chấm dứt mọi xung đột vũ trang dọc ranh giới của khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời tiến hành điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các hành động quân sự thù địch quy mô lớn mới đây ở Nagorno-Karabakh và cho rằng cần thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để hạn chế căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn là quá sớm để khẳng định rằng nỗ lực của Nga sẽ mang lại kết quả cụ thể cho tình trạng hiện nay. Thiếu vắng sự nhượng bộ song phương và vai trò trung gian hòa giải tích cực của cộng đồng quốc tế, căng thẳng phức tạp và dai dẳng Armenia-Azerbaijan sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian ngắn.