Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Lớp Columbia thế hệ mới của Mỹ dự kiến sẽ thay thế các tàu hiện tại vào năm 2031. (Nguồn: General Dynamics Electric Boat) |
Cuộc sống trên tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, viết tắt là SSBN, được cho là rất ảm đạm.
Cựu thủy thủ tàu ngầm Tom Shugart, người từng đảm nhiệm vị trí chỉ huy tàu tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Olympia, nói với Nikkei Asia: "Không có Wi-Fi, không có TV, không có radio hay các phương tiện giải trí. Hồi tôi mới nhập ngũ, mọi người đều rất phấn khích khi dịch vụ phim ảnh của Hải quân gửi cho một hộp băng video hoặc DVD mới.”
Bên cạnh những thách thức cố hữu như bị cô lập với thế giới bên ngoài khi thực hiện sứ mệnh dưới nước, hoạt động của tàu ngầm còn có một khía cạnh khác: tính bí mật.
Không giống như tàu ngầm tấn công nhanh mang vũ khí thông thường, các tàu SSBN lớp Ohio của Hải quân Mỹ không thể dễ dàng ghé cảng nước ngoài, do chúng mang theo 20 tên lửa đạn đạo Trident D-5.
Các "boomers" này phải thực hiện một nhiệm vụ: ẩn náu trong các đại dương sâu nhất thế giới chờ lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, trong 6 thập kỷ kể từ khi chiếc SSBN đầu tiên trên thế giới được đưa ra biển khơi, mệnh lệnh đó chưa bao giờ được thực hiện.
Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới vẫn đang âm thầm xây dựng lực lượng hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang vận hành SSBN, trong khi Pakistan và Triều Tiên cũng đang khai thác hỏa lực hạt nhân phóng từ tàu ngầm sử dụng tàu điện ngầm diesel-điện.
Quả bom 15 tỷ USD
Trong phân bổ ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022 mới được công bố, Lầu Năm Góc đã dành 5 tỷ USD để mua sắm tàu SSBN lớp Columbia, nhằm thay thế lớp Ohio vào năm 2031.
Giới quan sát quốc phòng đã lên tiếng chỉ trích yêu cầu ngân sách tổng thể không đủ để đáp ứng cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc.
Tuy vậy, các quan chức hải quân Mỹ trong nhiều năm qua đã tuyên bố rằng, tàu ngầm lớp Columbia là chương trình ưu tiên hàng đầu của hải quân.
Báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS) về chương trình Columbia nêu rõ: "Theo quan điểm của Hải quân Mỹ, chương trình lớp Columbia sẽ được chính phủ tài trợ, và được ưu tiên hơn các chương trình Hải quân khác".
14 tàu SSBN lớp Ohio cũ kỹ sẽ được thay thế bằng 12 tàu lớp Columbia. Không giống như lớp Ohio - vốn phải tiếp thêm nhiên liệu hạt nhân, lớp Columbia sở hữu một lõi lò phản ứng bên và không cần tiếp nhiên liệu.
Thiết kế hiện đại này cho phép Hải quân Mỹ vận hành 10 tàu SSBN cùng lúc, đáp ứng yêu cầu từ chỉ huy chiến đấu của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ - bộ phận phụ trách vũ khí hạt nhân thuộc quân đội nước này. Tuy nhiên, việc duy trì 10 tàu ngầm hạt nhân trên biển rất tốn kém.
Báo cáo ngày 12/5 của CRS ước tính, chi phí mua sắm 12 tàu lớp Columbia tổng cộng là 109 tỷ USD. Ngày 7/6, USNI News cho biết, giá ước tính của tàu lớp Columbia hiện đại nhất đã tăng 637 triệu USD so với năm ngoái, lên 15,03 tỷ USD.
Hiện tại, ông Shugart, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Răn đe hạt nhân là nền tảng cho phần còn lại của biện pháp răn đe thông thường. Nếu không có một phương tiện răn đe hạt nhân hiệu quả, tất cả những nỗ lực có thể trở nên vô nghĩa. Đó là lý do khiến chương trình tàu ngầm lớp Colombia trở thành ưu tiên số 1".
Ba thành phần của chiến lược hạt nhân của Mỹ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền, máy bay ném bom chiến lược trên không và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Trong số 3 loại vũ khí trên, SSBN được coi là có thể sống sót được lâu nhất vì hầu như không bị phát hiện dưới đại dương sâu.
Những đối trọng đáng gờm khác
Tất nhiên, Mỹ không phải là cường quốc duy nhất tăng cường khả năng răn đe dưới biển.
Trong nghiên cứu hồi tháng 2/2020 của trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia có tiêu đề "Tương lai của biện pháp răn đe trên biển: Cuộc khảo sát toàn cầu", các học giả quốc tế đã phân tích các kế hoạch SSBN của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pháp và Anh, cũng như tham vọng diesel-điện của Pakistan và Triều Tiên.
Rory Medcalf, người đứng đầu trường Cao đẳng An ninh Quốc gia, đã viết rằng, một lời giải thích cho chiến dịch xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc là mong muốn biến khu vực đó thành một pháo đài nơi hạm đội SSBN của Bắc Kinh vẫn có thể hoạt động an toàn khi bị các lực lượng Mỹ và đồng minh phát hiện hoặc tấn công.
Trung Quốc được cho là đang sở hữu 6 chiếc SSBN lớp Jin (type 094), trong đó chiếc mới nhất, tàu Trường Chinh 18, đã được chuyển giao vào tháng 4. Tàu ngầm này mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn ước tính 7.200 km.
Theo ước tính của CRS, phạm vi đó có thể cho phép tàu ngầm lớp Jin tấn công các mục tiêu ở Alaska từ các căn cứ được bảo vệ gần Trung Quốc, các mục tiêu ở Hawaii từ các vị trí phía Nam Nhật Bản, và thậm chí các mục tiêu ở lục địa phía Tây của Mỹ từ các vị trí giữa đại dương ở phía Tây Hawaii.
Trở ngại lớn nhất của Trung Quốc đối với các hoạt động của SSBN là vị trí địa lý, bao quanh bởi các vùng nước nông và phải vượt qua nhiều trướng ngại nếu muốn tiến vào vùng biển sâu của Thái Bình Dương.
Stephan Fruehling, Phó Hiệu trưởng Đại học ANU châu Á và Thái Bình Dương nhận định: "Trong khi các SSBN của Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ và Pakistan có thể trực tiếp đi vào các lưu vực đại dương trên thế giới, các SSBN của Trung Quốc lại không thể".
Ông Shugart cũng đồng ý với quan điểm này khi cho rằng: "Tiến bộ quân sự của Trung Quốc đã làm Mỹ thất thế trong rất nhiều lĩnh vực. Nhưng một lĩnh vực mà Washington vẫn có lợi thế đáng kể đó là hải quân".
Tuy nhiên, nếu các tên lửa tương lai của Trung Quốc có tầm bắn xa hơn, thì Bắc Kinh có khả năng giữ các SSBN ở Biển Đông và vẫn có thể nhắm mục tiêu vào Mỹ. Khoảng cách từ căn cứ kiên cố của Bắc Kinh ở Biển Đông đến San Francisco là khoảng 11.600 km, tới Washington là 13.500 km.
Nhà phân tích hải quân Mỹ Norman Friedman phân tích: “Trong vài thập kỷ tới, có vẻ như Trung Quốc có thể sản xuất một tên lửa trên biển với tầm bắn đủ để vươn tới bất cứ nơi nào của Mỹ từ Biển Đông”.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng bắt đầu vận hành chiếc SSBN đầu tiên có tên INS Arihant vào năm 2016.
Động thái này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên không thuộc nhóm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đóng một loại tàu như vậy.
Chiếc SSBN thứ hai, phiên bản nâng cấp có tên INS Arighat, sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Tàu Arihant cũ mang 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 với tầm bắn từ 700 đến 1.000 km, nhưng nhiều khả năng sẽ được nâng cấp để phóng 4 tên lửa đạn đạo K-4 có thể bay từ 3.000 đến 3.500 km.
Nhưng nhìn chung, Chuẩn tướng Sudarshan Shrikhande, cựu lãnh đạo Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh: "Giống như Mỹ, Ấn Độ có lợi thế địa lý để các SSBN đi tuần tra đại dương mở và bắn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tầm xa".
Trong khi đó, với Pakistan, theo Sadia Tasleem, giảng viên Đại học Quaid-i-Azam tại Islamabad, khả năng tên lửa hành trình phóng từ biển của Pakistan vẫn còn rất hạn chế, bởi lực lượng quân đội nước này đang sử dụng 3 tàu ngầm diesel-điện Agosta-90B mua từ Pháp vào các năm 1999, 2003 và 2006.
Bước đột phá có thể diễn ra với Pakistan nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc khi Bắc Kinh đã đồng ý cung cấp 8 tàu ngầm diesel-điện lớp Yuan Type 093 và Type 041 cho Islamabad. Lô đầu tiên bao gồm 4 tàu ngầm sẽ cập cảng vào năm 2023, và 4 tàu còn lại sẽ được lắp ráp tại Karachi vào năm 2028.
Theo báo cáo của bà Tasleem, "việc bổ sung các tàu ngầm Trung Quốc sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng của Pakistan trong việc bảo vệ các khu vực ven biển cũng như các tuyến đường liên lạc trên biển".