TIN LIÊN QUAN | |
Trái tim Nga trong lòng nước Pháp | |
Tổng thống Putin kể chuyện “mối tình đầu” |
Trong năm 2016, nước Nga đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Dẫu vậy dưới sự chèo lái vững vàng của Tổng thống Vladimir Putin, xứ sở bạch dương đã đạt được nhiều thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế-xã hội, cũng như tiếp tục khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Vô vàn khó khăn
Năm 2016, nước Nga đối mặt với vô vàn khó khăn khi giá dầu mỏ, vốn mang lại nguồn thu hơn 50% cho ngân sách quốc gia, lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, đồng nội tệ Ruble rớt giá thảm hại cùng lệnh trừng phạt kinh tế và bao vây cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine và sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea tháng 3/2014.
Thêm vào đó, Nga còn phải đương đầu với nhiều mối đe dọa và thách thức an ninh quốc gia, trong đó có chủ nghĩa khủng bố. Không những thế, Nga vẫn phải rót một nguồn tài chính lớn để tiến hành chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, hỗ trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine và hiện đại hóa quân đội phải phòng thủ trong bối cảnh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng gây sức ép, tăng cường sự diện hiện của quân đội ngay sát biên giới Nga.
Hàng loạt chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài và vực dậy nền kinh tế đã được Chính phủ Nga ban hành kịp thời. (Nguồn: Matzav) |
Nỗ lực được đền đáp
Đứng trước thực tế khó khăn chồng chất, không ít chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra những nhận định và dự báo đầy u ám về tương lai của nước Nga khi giá dầu thô liên tục lao dốc. Không còn cách nào khác, Moscow buộc phải tích cực phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế, đặc biệt là với khu vực châu Á-Thái Bình Dương... đồng thời quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế. Hàng loạt chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài và vực dậy nền kinh tế đã được Chính phủ Nga ban hành kịp thời.
Chỉ tính riêng năm 2016, Nga đã chi 827,7 tỷ Ruble nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế nhập khẩu, xuất khẩu những sản phẩm phi năng lượng, ngành sản xuất ô tô, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng ...
Những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Nga đã được đền đáp xứng đáng khi một loạt lĩnh vực kinh tế từ công nghiệp quốc phòng, ngân hàng, công nghệ thông tin... đặc biệt là ngành nông nghiệp đã vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu lúa mì.
Giới chuyên gia cho rằng với các điều kiện thuận lợi về diện tích rộng lớn, khí hậu thuận lợi, thì chỉ cần một chính sách phát triển phù hợp là đủ để Nga có thể trở thành một siêu cường về nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2016, đóng góp từ xuất khẩu nông sản của Nga lên tới 16,9 tỷ USD, cao hơn cả mức xuất khẩu vũ khí khoảng 25%.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2016, Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng Nga đã đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, duy trì dự trữ tài chính quốc gia đạt gần 400 tỷ USD, lạm phát được khống chế ở mức 5,8% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 0,3%.
Đây là tiền đề quan trọng để Tổng thống Putin quyết định chỉ thị Chính phủ trước tháng 5/2017 phải soạn thảo kế hoạch hành động cụ thể từ nay tới năm 2025 để giúp Nga tăng được vị thế trong kinh tế toàn cầu, qua đó giúp kinh tế Nga trong hai năm 2019 và năm 2020 tăng trưởng với tốc độ cao của thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người chèo lái đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn chồng chất. (Nguồn: Reuters) |
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, Tổng thống Putin còn tiến hành chiến dịch "bàn tay sắt" trong cuộc chiến chống tham nhũng. Một loạt các tướng lĩnh, quan chức cấp cao lần lượt bị cách chức hoặc bị truy tố, trong đó có Bộ trưởng phát triển kinh tế Aleksei Ulyukayev, người bị cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu USD. Sự kiên quyết, không khoan nhượng với nạn tham nhũng của nhà lãnh đạo Nga đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội Nga.
Không chỉ chèo lái đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn chồng chất, Tổng thống Putin còn có những đối sách linh hoạt, quyết đoán và hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như đối phó với việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO. Chiến dịch không kích của Nga chống IS tại Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đem lại những kết quả rõ rệt, giúp Damacus đẩy lùi được lực lượng khủng bố, giành lại nhiều vùng lãnh thổ chiến lược.
Vai trò của Nga trong vấn đề Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung ngày càng được khẳng định. Trong khi đó, trong cuộc đối đầu căng thẳng với NATO lợi thế cũng đang nghiêng về nước Nga khi những bất đồng giữa các nước ở bên kia bờ Đại Tây Dương không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ Nga.
Năm tháng khó khăn của Nga đã trôi qua khi nước này xây dựng được nền tảng cơ bản, tạo đà cho sự phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tối đa tác động từ bên ngoài, đồng thời tăng cường được vị thế trên trường quốc tế. Với những kết quả đó, có thể khẳng định rằng nước Nga sẽ trở thành một trung tâm sức mạnh trong thế giới đa cực ngày nay.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Nhật khó có bước đột phá Mặc dù được mong chờ từ lâu nhưng chuyến thăm sắp tới đến Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin khó có thể tìm ra ... |
Quan hệ Nga - Thổ: Một năm sau ngày máy bay Su-24 bị bắn hạ Một năm sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga trên biên giới với Syria ngày 24/11/2015, quan hệ giữa hai nước ... |
Tổng thống Putin tuyên bố cải cách hệ thống chống doping của Nga Nga sẵn sàng cải cách hệ thống chống doping để cuộc chiến chống sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao hiệu quả ... |