Bản thân bà Angela Merkel đã không còn quá xa lạ với Bắc Kinh khi đã có tới 11 lần thăm Trung Quốc kể từ khi trở thành Thủ tướng năm 2005. Thêm vào đó, với việc tình hình thế giới đang biến động khó lường, cùng một Chính phủ liên minh chưa “vào guồng”, lịch trình của bà dày đặc những hội đàm và sự kiện.
Ngay sau khi đặt chân đến Bắc Kinh ngày 24/5 cùng 20 lãnh đạo doanh nghiệp Đức, Thủ tướng Merkel có họp báo chung với người đồng cấp chủ nhà Lý Khắc Cường, trước khi dự bữa tối cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày 25/5, bà sẽ tới Thâm Quyến, trò chuyện với lãnh đạo địa phương trước khi tham dự lễ khai mạc một “Trung tâm Sáng tạo” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tổ chức, thăm nhà máy của Siemens và một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Các nước phát triển G20 ở Hamburg, tháng 7/2017. (Nguồn: Getty Images) |
Qua tất cả những hoạt động này, Đức muốn chứng tỏ rằng Berlin là đối tác tiềm năng mà Bắc Kinh không thể bỏ lỡ. Trong cuộc gặp với Thủ tướng và Chủ tịch nước chủ nhà, bà Merkel gần như chắc chắn sẽ đề cập tới việc xây dựng một sách lược chung nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tiếp tục duy trì thị trường mở cửa cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, quá gần gũi với Bắc Kinh mà bỏ qua Washington có thể đẩy Berlin vào thế khó, khi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump vừa ký kết thỏa thuận nhằm trì hoãn động thái thương mại “ăn miếng trả miếng”. Trong khi quan hệ Trung - Đức tiếp tục thăng hoa thì mối bang giao thân tình năm nào giữa Mỹ - Đức đang tiếp tục xấu đi, khi ông chủ Nhà Trắng liên tục công kích về thương mại song phương với chính quyền của Thủ tướng Merkel, cho đây là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Việc Bắc Kinh tạm thời thoát khó sẽ khiến Berlin phải “đứng mũi chịu sào” các đợt chỉ trích mới do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng là trọng tâm những cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Merkel và lãnh đạo Trung Quốc. Cả Berlin và Bắc Kinh đều lên tiếng kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này, cho phép quan sát viên tiếp tục thanh tra cơ sở hạt nhân để được gỡ bỏ cấm vận về kinh tế.
Do đó, ông Jan Weidenfeld, nhà nghiên cứu chính sách tại Viện Nghiên cứu Mercator về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng bà Merkel sẽ cố gắng tìm hiểu thêm về lập trường trong vấn đề Iran của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm xây dựng đối sách cho tình huống khó khăn trước mắt. Chuyên gia Tytti Erasto của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm thì nhận định: “Khi có nhiều nước phản đối trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thấy chùn tay, đồng thời khiến tác động của cấm vận trở nên yếu hơn”.
Tuy nhiên, hy vọng Trung Quốc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã đơn phương từ bỏ, hay thiết lập quan hệ thương mại gần gũi hơn giữa Berlin - Bắc Kinh, phụ thuộc rất nhiều vào tài thương thuyết của Thủ tướng Angela Merkel, cũng như thiện chí từ Chủ tịch Tập Cận Bình cho quý khách phương Tây này.