Tại cuộc đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới được tổ chức trực tuyến hôm 15/3/2023 với chủ đề “Con đường hiện đại: Trách nhiệm của các chính đảng”, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất “Sáng kiến Văn minh toàn cầu". (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu
Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GIDS) là một sáng kiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhằm ngăn chặn các hành động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng công nghệ thông tin để đánh cắp dữ liệu người dùng. GIDS được đưa ra nhằm cạnh tranh với sáng kiến “mạng sạch” của Mỹ.
Theo đánh giá của Trương Chiêu Long, người sáng lập và là cố vấn trưởng của Công ty TNHH Công nghệ thông tin Guanan Thượng Hải, việc Trung Quốc đưa ra Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu vào năm 2020 là phù hợp với tình hình quốc tế.
Trong bối cảnh an ninh mạng trên toàn thế giới thường bị đe dọa, sáng kiến này tạo điều kiện cho sự tương tác dữ liệu giữa các quốc gia và là tiền đề đảm bảo an ninh, giúp thiết lập một trật tự mới trong không gian số thống nhất giữa các quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Ông Trương cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng và dữ liệu nên ủng hộ và tuân theo sáng kiến này của Chính phủ, góp phần phát triển không gian an ninh mạng an toàn và lành mạnh.
Trong khi đó, học giả Nguyên Hạo, Phó Giám đốc Viện Luật an ninh thông tin Tô Châu, đối tác của Công ty Luật Jiangsu Zhuhui coi sáng kiến là “giới hạn năng lực” đối với các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.
Đề cập các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu hiện nay, ông Lư Truyền Dĩnh, Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Quản trị quốc tế và không gian mạng của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu Không gian mạng chỉ ra rằng, mục tiêu cơ bản của sáng kiến này chủ yếu là để đối phó với các hành động thu thập thông tin bất hợp pháp từ bên ngoài đối với người dùng toàn cầu và an ninh mạng của các quốc gia.
Nắm bắt cốt lõi vấn đề an ninh mạng, sáng kiến GIDS góp phần khơi dậy những hiểu biết của người dùng để đưa ra các biện pháp đối phó với các mối nguy cơ tương tự đối với an ninh mạng toàn cầu.
Trương Lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc nhận định, các lực lượng trên không gian mạng hiện nay đang đứng trước vòng hội nhập mới, vừa đối đầu, cạnh tranh, vừa hợp tác và đối thoại đan xen. Ý nghĩa lớn nhất của sáng kiến là đáp ứng mối quan tâm hiện tại của cộng đồng quốc tế về bảo mật dữ liệu và quản trị bảo mật dữ liệu.
Theo đó, nếu Trung Quốc muốn tạo ra sự khác biệt, họ phải tăng cường xây dựng và nâng cao sức mạnh mạng của chính mình, tìm kiếm sự hợp tác ở mức độ tối đa, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và đảm bảo lợi ích không gian mạng trong quá trình hình thành các quy tắc quốc tế.
Sáng kiến Phát triển toàn cầu
Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) là sáng kiến đa phương được liên kết với Liên hợp quốc (LHQ) ưu tiên phát triển và lấy con người làm trung tâm, đề xuất các lĩnh vực hợp tác chính để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của LHQ và thúc đẩy xây dựng cộng đồng tương lai chung vì sự phát triển của con người.
Trung Quốc thông qua GDI làm nền tảng tái khẳng định các mối quan hệ chiến lược và thể hiện sức hấp dẫn đối với các nước đối tác đang phát triển, phản ánh đóng góp và trách nhiệm vào sự phát triển của thế giới.
Theo quan điểm của học giả Chu Văn Chương, Trợ lý nghiên cứu tại trường Luật, Đại học Sơn Đông, việc đề xuất Sáng kiến Phát triển toàn cầu là biểu hiện của việc Trung Quốc tuân thủ tích hợp các khái niệm nhân quyền vào sự phát triển bền vững toàn cầu.
GDI kêu gọi sự cởi mở, hòa nhập và chia sẻ lợi ích vì sự phát triển con người, định hướng hành động tập trung vào các nhu cầu sinh kế cấp bách nhất của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực chính như giảm nghèo, an ninh lương thực, tài chính, biến đổi khí hậu và nền kinh tế kỹ thuật số.
Do đó, từ góc độ nhân quyền, Sáng kiến Phát triển toàn cầu có thể coi như một khái niệm mới về quản trị nhân quyền mà Trung Quốc đưa ra cho cộng đồng quốc tế và là một thực tiễn quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh được chỉ ra trong Báo cáo tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.
Cũng xuất phát từ thực tiễn, học giả Vương Tuấn Sinh, nghiên cứu viên đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, và nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và Toàn cầu, Học viện Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh, GDI không đơn thuần đạt được sự phát triển mà còn chứa đựng những nội hàm sâu sắc hơn.
Sáng kiến là tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai thế giới trước những thay đổi thực tiễn và lựa chọn chiến lược cho con đường phát triển tiếp theo với mục tiêu thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn.
Theo Giáo sư Vương Hồng Tân của Viện Phát triển chung toàn cầu, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, GDI đã làm phong phú thêm hệ thống tư tưởng, lý luận của cộng đồng cùng chung vận mệnh, dẫn dắt hiệu quả thực tiễn phát triển toàn cầu trong giai đoạn mới.
Qua đó, phản ánh mong muốn của con người cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đề cao chương trình nghị sự, nhấn mạnh tăng cường phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế lớn và nỗ lực giải quyết vấn đề tồn đọng, tạo ra một môi trường phát triển cởi mở, công bằng và bình đẳng.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đánh giá GDI là một lợi ích cộng đồng toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của thế giới, xây dựng tương lai chung dựa trên kinh nghiệm phát triển của chính Trung Quốc. Trong đó, công cuộc phục hưng Trung Hoa được thúc đẩy một cách toàn diện thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, mang lại cơ hội mới cho sự phát triển của tất cả các quốc gia.
Ông Trương khẳng định GDI góp phần mang thế giới lại gần nhau hơn và đoàn kết hơn, hoan nghênh thêm nhiều bạn bè và đối tác cùng chí hướng tham gia trao đổi chính sách và hợp tác thiết thực trong khuôn khổ sáng kiến, đồng thời cùng nhau biến tầm nhìn của Chương trình nghị sự 2030 thành hiện thực.
Trong Báo cáo Sáng kiến Phát triển toàn cầu: Ý tưởng, Hành động và Giá trị, nhóm nghiên cứu của Viện Trung Quốc đương đại & Thế giới cùng Viện Hợp tác toàn cầu của Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc thúc đẩy một cách thực tế sáng kiến phát triển toàn cầu là ổn định và lâu dài.
Cho đến nay, sáng kiến đã thực hiện bước nhảy vọt từ “đặt nền móng” sang “xây dựng khuôn khổ”. GDI đang làm nổi bật các vấn đề của thời đại, thúc đẩy sự chuyển đổi trong tư duy của cộng đồng quốc tế từ “đối đầu, cạnh tranh” sang “phát triển, hợp tác”, từ “cô lập” sang “đôi bên cùng có lợi” và đề xuất những tư tưởng, mô hình mới nhằm thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung của các quốc gia.
Sáng kiến An ninh toàn cầu
Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) được biết đến như một “giải pháp của Trung Quốc đối với các thách thức an ninh quốc tế”, đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của nước này đối với các vấn đề an ninh toàn cầu nhằm đối phó với sức ép toàn diện ngày một gia tăng từ Mỹ và phương Tây.
Trên thực tế, GSI có mối liên hệ mật thiết với các chiến lược đã được Trung Quốc đề xuất và triển khai trước đó như Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), GDI hay Cộng đồng chung vận mệnh.
Nhưng điểm mới ở GSI là việc thúc đẩy một cộng đồng an ninh lấy Trung Quốc làm trung tâm và áp lực mới của Trung Quốc đối với các đối tác BRI. Mặc dù trong ngắn hạn, GSI khó có thể phát triển mạnh, nhưng về bản chất, việc thúc đẩy sáng kiến này có thể làm cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị công bố Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu vào tháng 9/2020 khi còn là Ngoại trưởng. (Nguồn: Global Times) |
Đánh giá về GSI, học giả Phạm Hiên, Tổng Biên tập European New Media Group của Đức khá tích cực khi cho rằng đề xuất về sáng kiến này phản ánh sự đóng góp và trách nhiệm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định thế giới, đồng thời mang lại sự chắc chắn cho một thế giới “không chắc chắn”.
Thêm vào đó, theo nhìn nhận của học giả Quách Diên Quân, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, sáng kiến cũng ngày càng góp phần vào quá trình củng cố sức mạnh, lôi kéo sự đồng thuận quốc tế cũng như thúc đẩy cải cách thế giới và hệ thống quản trị an ninh toàn cầu.
Đối với GSI, Trung Quốc không chỉ là nước khởi xướng mà sẽ là nhóm hành động để thực hiện sáng kiến này và duy trì chủ nghĩa đa phương. Theo đó, ông Trương Côn thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đánh giá, Trung Quốc là một nước ủng hộ tích cực và thực hành quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng an ninh con người, duy trì hòa bình thế giới và bảo vệ an ninh toàn cầu.
Các kết quả lý thuyết và thực tiễn của sáng kiến đã chứng minh rằng đây là một kế hoạch hiệu quả, thực sự đáp ứng các mối quan tâm an ninh chung của tất cả các quốc gia và có lợi cho việc bảo đảm an ninh toàn cầu. Trước những biến động mới của thế giới, sáng kiến luôn đòi hỏi tập hợp hiệu quả sức mạnh hợp tác an ninh giữa các bên nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung.
Theo học giả Từ Bộ, Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, an ninh của Trung Quốc không thể tách rời với an ninh của thế giới. Trung Quốc kiên định con đường phát triển hòa bình và có đóng góp lớn trong việc duy trì an ninh toàn cầu.
Khi Trung Quốc an toàn, thế giới an toàn. Thế giới an toàn hơn, và Trung Quốc cũng an toàn hơn. Vậy nên, GSI là minh chứng thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình và quyết tâm vững chắc trong bảo vệ an ninh toàn cầu.
Cũng theo đánh giá chung của học giả Từ Bộ về GDI và GSI, ông tin rằng hai sáng kiến này phản ánh xu thế của thời đại hòa bình và phát triển, cả hai thúc đẩy lẫn nhau và thống nhất một cách biện chứng. An ninh là tiền đề của phát triển, và phát triển là mục tiêu của an ninh, không thể có phát triển mà không có an ninh, và tất nhiên không có an ninh thực sự nếu không có phát triển.
Sáng kiến Văn minh toàn cầu
Dưới góc nhìn toàn cầu hóa, nơi các nền văn minh khác nhau có thể cùng tồn tại và thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của xã hội loài người, Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) sẽ dần dần định hình sự khác biệt trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.
Khác với phương Tây trong quá khứ, Trung Quốc mặc dù vẫn cố gắng tiếp cận thế giới với tư cách là một nước lớn, giữ vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển chung của toàn cầu, nhưng yếu tố văn hóa, văn minh bản địa vẫn được bảo tồn và đề cao. GCI kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phát huy các giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và tăng cường giao lưu hợp tác nhân văn quốc tế, từ đó tiếp thêm năng lượng tích cực cho việc thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa và xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh.
GCI được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và thế giới đang song hành trên con đường hiện đại hóa trong thời đại mới. Theo quan điểm của ông Ngưu Hải Bân, Giám đốc Viện Chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc cung cấp một giải pháp cho sự phát triển của xã hội loài người và truyền cảm hứng cho con đường hiện đại hóa của các nước đang phát triển, để nhiều dân tộc tìm thấy sự cộng hưởng của vận mệnh.
Tuy nhiên, ông Ngưu Hải Bân cũng chỉ ra rằng thế giới bên ngoài dường như đang có sự hiểu lầm về hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Họ cho rằng hiện đại hóa là phát triển kinh tế. Ở một khía cạnh nào đó, họ bị hạn chế bởi tư duy hiện đại hóa kiểu phương Tây.
Ngoài ra, ông Ngưu còn chỉ ra rằng “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” đã lặp lại kiểu quan hệ quốc tế mới do Trung Quốc đề xuất. Trong đó, quan hệ giữa các quốc gia cần nhấn mạnh sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, không chỉ giữa các nước lớn mà còn giữa các nước lớn và nước nhỏ.
Tương tự, học giả Tạ Mậu Tùng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia của Đại học Thanh Hoa cũng đồng tình khi đánh giá hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã ăn sâu vào nền văn minh Trung Hoa và tạo ra một hình thức mới cho nền văn minh nhân loại. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của thế giới.
Bên cạnh đó, ông Tạ cũng đánh giá rằng việc các nước phát triển ở phương Tây xuất khẩu mô hình hiện đại hóa kiểu phương Tây của mình sang các nước đang phát triển bằng nhiều phương thức khác nhau như dọa nạt, dụ dỗ, cách mạng màu… đã khiến các nước đang phát triển không chỉ bất mãn về môi trường mà còn gây ra các rạn nứt trong nội bộ.
Thách thức cần vượt qua
Hiện nay, hầu hết các sáng kiến của Trung Quốc đưa ra đều chưa đạt được nhiều kỳ vọng như Trung Quốc mong muốn. Sáng kiến về An ninh dữ liệu toàn cầu cho đến nay, mới chỉ có một số ít các nước ủng hộ. Việc Mỹ cấm các thiết bị của hai tập đoàn ZTE và Huawei cũng đã tác động và có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc thúc đẩy sáng kiến này của Trung Quốc.
Mới đây, EU cũng đang lên kế hoạch và kêu gọi các nước thành viên cấm các thiết bị của ZTE và Huawei tham gia vào mạng viễn thông nội bộ của khối. Điều này có thể cho thấy những thiết bị công nghệ của Trung Quốc thiếu đi sự tin tưởng và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phủ sóng 5G toàn cầu của chính phủ Trung Quốc.
Đối với GDI và GSI, đây được xem như hai trụ cột cùng với BRI sẽ được Trung Quốc đẩy mạnh trong thời gian tới. Đối với GDI, đây được coi là một sáng kiến nhằm khẳng định các mối quan hệ chiến lược và thể hiện sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với các đối tác đang phát triển và cho tới nay, đã có khoảng 100 nước tham gia vào nhóm bạn bè GDI. Có ý kiến cho rằng, sáng kiến GDI là sự bổ sung cho BRI vì GDI có sự tương đồng về kinh tế và chính trị với BRI.
Tuy nhiên có thể thấy từ khi BRI ra đời, những dự án của BRI được triển khai trên khắp các châu lục thế nhưng GDI đến nay vẫn chỉ là những dự án nhỏ lẻ với khoảng 50 dự án hợp tác thực tế. Cho đến nay, GDI là một khuôn khổ bao trùm để tập hợp các hoạt động hợp tác phát triển đa dạng theo một đề xuất nhất quán toàn cầu. Nhưng liệu sáng kiến có mang lại nguồn tài chính mới đáng kể cho sự phát triển hay không vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Đối với GSI, đây là một sáng kiến giải quyết vấn đề hòa bình và thịnh vượng của các đại dương trên toàn thế giới. Chỉ bằng cách giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, thúc đẩy hợp tác hàng hải vì một tương lai chung, bảo vệ các lợi ích biển chung của nhân loại và hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu.
Đối với GCI, đây là một sáng kiến mới, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra tại Hội nghị cấp cao Đối thoại với các đảng chính trị thế giới vào ngày 15/3/2023 tại Bắc Kinh. Về bản chất, sáng kiến này đề cập việc ủng hộ và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh, các giá trị chung của nhân loại cũng như tầm quan trọng của sự kế thừa và đổi mới của các nền văn minh.
Đồng thời, sáng kiến này cũng chủ trương ủng hộ giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Về mặt lý luận, cùng với những sáng kiến phát triển truyền thống về kinh tế và an ninh, GCI là một công cụ ngoại giao hoàn toàn mới, đóng vai trò quan trọng trong “chiến lược toàn cầu” của Trung Quốc.
------------------------------
* Thực tập sinh và chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.