📞

Cộng đồng ASEAN hướng tới tương lai

08:36 | 25/08/2016
Ngày 31/12/2015 là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu một bước chuyển mới và tăng cường về chất của ASEAN kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1967, đó là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.

Cùng với dấu mốc này, ASEAN bước vào năm 2016 với vị thế mới: một cộng đồng gồm 10 nước Đông Nam Á, với dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới, xếp vào hàng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và liên kết chặt chẽ trên cả 3 cộng đồng trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Những bước tiến cụ thể

Cộng đồng ASEAN ra đời dựa trên những thành tựu chính của ASEAN sau gần 5 thập kỷ phát triển. Thứ nhất, ASEAN đã chuyển hóa Đông Nam Á từ nghi kỵ, đối đầu và xung đột thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. ASEAN đã dần xây dựng được các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia, tạo dựng được lòng tin và thói quen hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á. Thứ hai, ASEAN đã thúc đẩy quan hệ với hầu hết các đối tác và khu vực quan trọng trên thế giới, đặc biệt đã xây dựng được quan hệ đối tác, đối tác chiến lược, đối tác tăng cường, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn. Thứ ba, ASEAN không chỉ thúc đẩy liên kết nội khối, mà còn thúc đẩy liên kết ngoại khối: (i) trong tiến trình Hợp tác Đông Á dựa trên hai khuôn khổ chính là ASEAN + 3 và Cấp cao Đông Á; và (ii) trong việc thiết lập nhiều khuôn khổ quan hệ liên khu vực như Á – Âu, Á - Mỹ La-tinh …

Đối thoại Khu vực về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN tại Chiang Mai, Thái Lan, tháng 7/2016. (Nguồn ASEAN.org).

Gần một năm qua từ khi hình thành Cộng đồng, ASEAN đã tạo dựng thêm nhiều bước tiến cụ thể. Về an ninh – chính trị, ASEAN từng bước hoàn thiện các mục tiêu nằm trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng An ninh – Chính trị, trong đó có việc triển khai những biện pháp thúc đẩy các hợp tác nhạy cảm và phức tạp, như an ninh biển, tự do hàng hải, phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm. Cộng đồng ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có thêm 4 nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC), có thêm 2 đối tác tham gia vào quan hệ đối tác trong từng lĩnh vực.

Về kinh tế, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ; thực hiện triệt để các cam kết về giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (đối với đa số các dòng thuế trong danh mục cắt giảm thông thường) và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác. ASEAN tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ở châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN về một khu vực thương mại tự do, thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN và ASEAN với các cộng đồng khác….

Về văn hóa – xã hội, những mục tiêu liên quan đến cuộc sống người dân đã và đang được ASEAN chú trọng thực hiện. Điển hình là các kế hoạch, dự án, biện pháp quan trọng về phát triển chủ thể doanh nghiệp trẻ và việc làm cho thanh niên, đẩy mạnh an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác quản lý thiên tai,… ở từng quốc gia và khu vực.

Chặng đường chông gai

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu của một Cộng đồng và trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN vẫn còn nhiều hạn chế. Mức độ liên kết khu vực của ASEAN còn thấp, hiệu quả hợp tác chưa cao. Đồng thời, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN phải là một tiến trình phát triển, liên tục và lâu dài. Do vậy, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025). Trong Tuyên bố Kuala Lumpur  về “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình liên kết khu vực cũng như đề ra những mục tiêu cần hoàn thành vào năm 2025.

Theo đó, các công tác xây dựng sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm tới. Về an ninh – chính trị, ASEAN sẽ chú trọng các giá trị ôn hòa, đề cao các nguyên tắc cơ bản, xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực và quy tắc chung của ASEAN; nâng cao khả năng và năng lực ứng phó, xử lý các thách thức, tăng cường cơ chế “cảnh báo sớm” và “phản ứng nhanh”; làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác bên ngoài để nâng cao vai trò trung tâm trong việc định hình các cấu trúc khu vực; và tăng cường đoàn kết, thống nhất, tìm tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.

Dù còn gặp nhiều rào cản, phụ nữ ASEAN vẫn là nguồn lực tiềm năng cho nền kinh tế khu vực. (Nguồn: ASEAN.org).

Về kinh tế, ASEAN sẽ đẩy nhanh chương trình nghị sự một thị trường thống nhất thông qua tăng cường các cam kết về thương mại hàng hóa, bao gồm giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan, hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động có tay nghề, doanh nhân và vốn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tăng mạnh năng lực sản xuất, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, áp dụng phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số, thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và các quy định tương ứng cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả...

Về văn hóa – xã hội, ASEAN sẽ hiện thực hóa một cộng đồng hướng tới người dân với sự tham gia của mọi tầng lớp và có trách nhiệm xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người khuyết tật, người lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương...; thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ASEAN đang gặp nhiều khó khăn. Các nước thành viên ASEAN còn có quá nhiều khác biệt, nhất là về trình độ phát triển, khiến việc đạt đồng thuận nhiều lúc gặp khó khăn. “Sự thống nhất trong đa dạng” khi không dựa trên sự đồng đều và mang tính bổ trợ, mà chủ yếu dựa trên nỗ lực tìm kiếm những điểm chung của các lợi ích quốc gia khác nhau, thì sự đoàn kết và hợp tác của ASEAN rất khó chặt chẽ và luôn bị thách thức. Trong nội khối thậm chí xuất hiện xu hướng “ly tâm”, “đi đêm” với các nước ngoài Hiệp hội trên một số vấn đề, nhất là trong bối cảnh các nước lớn đang ngày càng can dự sâu hơn vào khu vực. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động cồng kềnh kém hậu quả, họp nhiều, đề ra nhiều chương trình hợp tác và kế hoạch hành động nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế do nguồn lực và cam kết chính trị chưa bảo đảm.

Việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức do thực lực và khả năng tìm kiếm tiếng nói thống nhất và lập trường chung của ASEAN còn có hạn do “nguyên tắc đồng thuận” và sự chi phối, lôi kéo, phân hóa mạnh mẽ của các nước lớn.

Ngoài ra, xung đột vẫn tiềm ẩn ở khu vực do chưa giải quyết triệt để các mâu thuẫn giữa các nước thành viên, nhất là về vấn đề biên giới, lãnh thổ. Những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình hình khu vực và thế giới trong quá trình toàn cầu hoá cũng tạo thêm nhiều thách thức mới đối với ASEAN, nhất là sự tụt hậu về kinh tế và khoa học-công nghệ và những vấn đề an ninh xuyên quốc gia.

Vận hội mới

Tuy nhiên, có thể lạc quan khi nhìn về tương lai của Cộng đồng vì ASEAN đang đứng trước nhiều vận hội mới và có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng. Thứ nhất, tất cả các quốc gia thành viên đều có quyền lợi gắn liền với việc xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN mạnh, đoàn kết và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Thứ hai, các nước ASEAN có tiềm lực kinh tế nhất định, có các nền kinh tế phát triển vào loại năng động nhất thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và vị trí địa-chiến lược quan trọng trên thế giới. Thứ ba, vị thế của ASEAN với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Các nước trên thế giới đều ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và năng động. Thứ tư, cho đến nay, ASEAN là tổ chức duy nhất trên thế giới có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn và trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN đang khẳng định vai trò trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm, góp phần vào việc xây dựng và tăng cường sức mạnh của Hiệp hội. Khi hội nhập vào ASEAN được xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm, Việt Nam chia sẻ những thành công của Hiệp hội trong chặng đường phát triển vừa qua và tiếp tục cùng ASEAN vượt qua khó khăn vì hòa bình, sự thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam và cả khu vực.