📞

Công nhận Cao nguyên Golan thuộc Israel: Một món quà, nhiều toan tính của ông Trump

07:15 | 28/03/2019
Việc chính thức công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel ẩn chứa nhiều ý đồ chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, song nó cũng có thể mang đến những hậu quả khó lường. Bình luận của Báo Thế Giới & Việt Nam.

Ngày 25/3 tại Nhà Trắng, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký quyết định công nhận Cao nguyên Golan, vốn nằm dưới chủ quyền của Damascus trước khi bị Tel Aviv chiếm đóng trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, là một phần của Israel.

Động thái này đi ngược lại với nhận thức cộng đồng quốc tế, vốn từ chối công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Do đó, ngay lập tức, động thái này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các nước Arab và Syria. Ngày 26/3, Phái đoàn Syria tại Liên hợp quốc đã gửi thư yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an để thảo luận về tình hình Cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm giữ. Hãng thông tấn Nhà nước Saudi Arabia (SPA) cũng “bác bỏ và lên án mạnh mẽ tuyên bố của chính quyền Mỹ”. Danh sách những nước phản đối quyết định của Mỹ sẽ còn kéo dài, song điều đáng chú ý ở thời điểm hiện tại là nguyên nhân và hệ quả đến từ hành động đơn phương của Mỹ.

Ngày 25/3, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Israel.

Toan tính của ông Trump

Đầu tiên, có thể thấy một trong những mục tiêu chính trị hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thời điểm hiện tại là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và món quà bất ngờ của ông dành cho người Israel không nằm ngoài mục tiêu đó. Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ Nhà Trắng chọn ngày 25/3, thời gian diễn ra chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phiên họp thường niên của Ủy ban Công vụ Israel – Mỹ (AIPAC), đơn vị vận động hành lang cho các chính sách của Israel tại Mỹ, để ký kết quyết định công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel, nhằm tối đa hóa tác động của thay đổi chính sách này.

Tuy nhiên, bộ phận cử tri mà ông Trump nhắm tới qua quyết định này không đơn thuần chỉ là người Mỹ gốc Do Thái, mà còn là những người theo Đạo Tin Lành, chiếm tới 25% dân số Mỹ. Đạo Tin Lành ủng hộ Chủ nghĩa Zion và có nhiều người theo Đạo này hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền Mỹ. Ngoài ra, ông Trump không đơn độc khi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa trong vấn đề này: Trong khảo sát năm 2017 của CNN, có tới 79% thành viên đảng này ủng hộ việc dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem và con số này nhiều khả năng được duy trì sau quyết định mới nhất của ông Trump.

Thứ hai, công nhận Cao nguyên Golan thuộc Israel là cách Washington thể hiện chính sách bảo vệ đồng minh truyền thống Tel Aviv. Từ trước đến nay, cộng đồng quốc tế đã không còn xa lạ với những chính sách ủng hộ Israel của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, điều này ngày càng được thể hiện rõ nét qua việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để phản đối chỉ trích về Israel, dời Đại sứ quán tại Israel về Jerusalem và bây giờ là công nhận Cao nguyên Golan như một phần lãnh thổ Israel.

Thứ ba, đây là cách mà ông Donald Trump tạo điều kiện thuận lợi để ông Benjamin Netanyahu tái đắc cử Thủ tướng. Chỉ còn hai tuần nữa là cuộc bầu cử Quốc hội Israel (Knesset) sẽ diễn ra và tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim Thủ tướng đang sụt giảm mạnh. Trước diễn biến ác liệt tại khu vực dải Gaza, nhiều quan chức nội các đã đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Netanyahu và món quà của ông Trump đến không thể đúng lúc hơn nhằm xóa nhòa những suy nghĩ đó. Với nguồn nước dồi dào, cùng vị trí cửa ngõ tiến vào Israel, Cao nguyên Golan đã trở thành một tài sản chiến lược quý giá mà Tel Aviv hằng mong muốn. Suy cho cùng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump mong muốn làm việc với người mà họ đã hiểu và quen thuộc, triển khai những chiến lược của Washington tại Trung Đông, trong đó có hạn chế tối đa ảnh hưởng của Iran.

Hậu quả khó lường

(Nguồn: Wikipedia)

Tuy nhiên, quyết định táo bạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ mang lại những hậu quả khó lường.

Đầu tiên, việc công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel sẽ một lần nữa khơi mào cho những căng thẳng chính trị giữa Israel và các nước Arab, đặc biệt là Syria, quốc gia đã để mất Cao nguyên Golan vào tay Tel Aviv trong Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967. Động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ khơi lại vết thương cũ của Syria và có thể thổi bùng lên những xung đột mới tại khu vực đầy bất ổn này.

Thêm vào đó, sự hậu thuẫn về mặt chính trị của Mỹ có thể giúp Israel táo bạo hơn trong các hoạt động quân sự của mình, từ Syria cho đến dải Gaza, mà không phải lo lắng đến phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất, Quân đội Israel đã tiến hành không kích và tấn công chính xác vào các cơ sở quân sự bị tình nghi của Iran ở ngay bên ngoài thủ đô Damascus. Ngày 25/3, sau khi tên lửa từ dải Gaza phá hủy một ngôi nhà thuộc khu vực phía Nam Israel, Tel Aviv đã ngay lập tức triển khai một chiến dịch trả đũa, không kích quy mô lớn vào các địa điểm trọng yếu trên dải Gaza.

Quan trọng hơn, động thái đơn phương của ông Trump có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khi các nước lớn có thể đơn phương tuyên bố và thực hiện hành động ảnh hưởng trực tiếp tới chủ quyền quốc gia của các nước nhỏ hơn, bất chấp luật pháp quốc tế.

Đây là điều mà Washington từng sử dụng để chỉ trích Moscow, khi chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sát nhập Crimea. Do đó, ngay sau tuyên bố của ông Trump, Nga đã đăng đàn chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép khi công nhận Cao nguyên Golan thuộc Israel, trong khi phủ nhận Crimea là một phần lãnh thổ Nga. Chiều ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng phản đối “việc thông qua các hành động đơn phương thay đổi sự thực”.

Tuy nhiên, trên thực tế Nga cùng Trung Quốc hiện đang có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với nhiều nước khu vực và động thái của Mỹ có thể mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra những tuyên bố táo bạo tương tự. Nếu kịch bản này thành sự thực, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu tới độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của những quốc gia liên quan, mà còn làm xói mòn hiệu quả của hệ thống tổ chức và luật pháp quốc tế.

Khi đó, món quà Cao nguyên Golan có thể là tin tốt của Mỹ dành cho Israel, củng cố mối quan hệ “đôi bạn cùng tiến”, nhưng chắc chắn sẽ là tin xấu đối với Syria nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

(Bài viết này đồng thời được đăng tải trên Báo Thế Giới & Việt Nam bản in, phát hành ngày 28/3/2019)