Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ngày 30/3/2023. (Nguồn: Kyodo) |
Bước vào thế kỷ XXI, với sự phát triển không ngừng của toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế, sự tăng tốc của hội nhập kinh tế châu Âu và sự phát triển hơn nữa của Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ, các nước châu Á đang đứng trước những cơ hội to lớn cũng như nhiều thách thức.
Làm thế nào để đối phó với những thách thức do toàn cầu hóa mang lại cho các nước trong khu vực, duy trì sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế khu vực và tăng cường phối hợp và hợp tác lẫn nhau đã trở thành những vấn đề chung mà các nước châu Á phải đối mặt.
Hoàn cảnh ra đời và mục tiêu
Mặc dù các quốc gia và khu vực châu Á đã tham gia vào các tổ chức hội nghị quốc tế xuyên khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), nhưng đối với toàn bộ khu vực châu Á, vẫn thiếu một tổ chức diễn đàn do châu Á lãnh đạo để thảo luận cụ thể về các vấn đề châu Á từ góc độ lợi ích và quan điểm của châu Á đối với các khu vực khác và toàn cầu.
Trước tình hình trên, năm 1998, cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke cùng cựu Tổng thống Philippines Difel V Ramos và cựu Thủ tướng Nhật Bản Hosokawa Morihiro, đề xuất ý tưởng về một “Diễn đàn châu Á”, mang tính chất tương tự như “Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos”. Ý tưởng được các nước liên quan nhất trí ngay từ khi ra mắt. Một năm sau đó, ý tưởng được Bắc Kinh ủng hộ.
Vào ngày 26-27/2/2001, các quan chức đến từ 26 quốc gia đã tham dự hội nghị về thành lập Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), hội nghị được tổ chức tại trấn Bác Ngao, thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Hội nghị công bố chính thức thành lập Diễn đàn và thông qua các văn kiện mang tính chương trình như “BFA về Tuyên bố châu Á”, “Các nguyên tắc chỉ đạo của BFA về Hiến chương châu Á”, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm khi đó đã đến dự lễ khai mạc với tư cách khách mời đặc biệt và khẳng định: “BFA là kết quả của quá trình nỗ lực của các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á với những ý tưởng tốt đẹp, không chỉ vì lợi ích của từng nước mà còn vì tương lai tốt đẹp của cả châu lục trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới”. Với tư cách là thành viên của Diễn đàn, Việt Nam cam kết tham gia tích cực hoạt động, góp phần làm diễn đàn phát huy hiệu quả.
Từ khi ra đời, BFA, với tư cách là một tổ chức quốc tế phi chính phủ và phi lợi nhuận, trở thành nền tảng cho các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo chính phủ các nước, giới công nghiệp và doanh nghiệp cũng như giới học thuật của các nước ở châu Á và các châu lục khác về các vấn đề quan trọng ở châu Á và thế giới. Mục tiêu và nội dung của Diễn đàn tập trung chủ yếu về các vấn đề kinh tế đối với châu Á, nhất là tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và hội nhập khu vực; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vì mục tiêu tiến bộ kinh tế bền vững và trách nhiệm xã hội; thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác giữa các nước trong và ngoài khu vực vì sự phát triển, hòa bình, an ninh và thịnh vượng của châu Á. Hiện nay, có 29 quốc gia là thành viên của Diễn đàn.
Cơ cấu vận hành
Cơ cấu tổ chức của BFA gồm có năm thành phần:
Một là Đại hội đồng thành viên. Đây là cơ cấu có thẩm quyền cao nhất của Diễn đàn và mỗi năm được tổ chức một lần. Đại hội đồng được chuẩn bị bởi Ban thư ký Diễn đàn, các chương trình nghị sự liên quan sẽ được thông báo đến các thành viên trước một tháng.
Hai là Ban quản lý. Ban quản lý BFA là cơ quan điều hành cao nhất của Đại hội đồng thành viên, chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng thành viên, mỗi năm họp một lần, chịu trách nhiệm giám sát và chỉ đạo chung các công việc của Diễn đàn. Ban quản lý được bầu bởi các thành viên chính thức của Diễn đàn thông qua bỏ phiếu trước Đại hội đồng thành viên. Ban này gồm 11 thành viên, Tổng thư ký và đại diện đến từ chủ nhà (Bác Ngao) là thành viên đương nhiên của ban quản lý, chín thành viên còn lại đến từ thành viên sáng lập, thành viên danh dự và thành viên doanh nghiệp.
Ba là Ủy ban cố vấn, được tạo thành bởi các thành viên được chọn ra từ các nhân vật có tiếng ở giới chính trị, doanh nghiệp và giới học giả.
Nhiệm kỳ của Ủy ban cố vấn là năm năm, sau khi hết thì có thể được gia hạn. Các thành viên của Ủy ban cố vấn không có thù lao trừ phi họ được ủy thác tham gia vào các công việc liên quan đến diễn đàn.
Ủy ban cố vấn căn cứ vào nhu cầu của Diễn đàn tiến hành hội nghị công tác không thường xuyên, dựa theo các vấn đề liên quan mà đưa ra góp ý và kiến nghị.
Bốn là Ban thư ký. Ban thư ký là cơ quan điều hành thường trực của BFA. Chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động khác nhau của diễn đàn. Tổng thư ký là Giám đốc điều hành của Diễn đàn và là người đứng đầu Ban thư ký.
Năm là Viện nghiên cứu, được thành lập năm 2001, là cơ quan hỗ trợ trí tuệ quan trọng của Diễn đàn. Chức năng chủ yếu của Viện nghiên cứu bao gồm đưa ra chương trình nghị sự và chủ đề hằng năm dựa trên cơ sở nghiên cứu và phân tích kinh tế thế giới; tổ chức soạn thảo và công bố các dự báo kinh tế liên quan đến nghiệp vụ của diễn đàn; cung cấp thông tin trực tiếp kịp thời về những diễn biến quan trọng trong khu vực, đồng thời thảo luận và nghiên cứu các vấn đề kinh tế, mậu dịch, thương mại và tài chính lớn trong khu vực và với các đối tác chính của khu vực; chịu trách nhiệm cung cấp nguồn lực trí tuệ cho các cuộc họp thường niên, hội thảo và các cuộc họp đặc biệt khác của diễn đàn; đào tạo nguồn nhân lực cho các thành viên và các đối tác khác; chịu trách nhiệm thiết lập mạng lưới làm việc và trung tâm trao đổi thông tin ở châu Á và thậm chí trên toàn thế giới.
Đây là nơi phát hành những báo cáo thường niên như “Báo cáo hội nhập kinh tế châu Á”, “Báo cáo năng lực cạnh tranh châu Á”, “Báo cáo các nền kinh tế mới nổi”, “Báo cáo tài chính châu Á”.
Nâng cao vai trò của châu Á
BFA được đánh giá là kênh hiệu quả để trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế đáng quan tâm nhất trong suốt hai thập kỷ qua. Diễn đàn năm 2023 được tổ chức tại Bác Ngao với chủ đề “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và Hợp tác để phát triển giữa những thách thức”.
Sự kiện thu hút khoảng 2.000 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cuộc thảo luận đã xoay quanh chủ đề của hội nghị và bốn vấn đề chính, bao gồm phát triển và bao trùm, hiệu quả và an ninh, khu vực và toàn cầu và hiện tại và tương lai. Diễn đàn đã đạt đồng thuận nhiều vấn đề, nhất là tăng cường hợp tác để nâng cao vai trò của châu Á.
Theo Báo cáo của BFA ngày 10/1 vừa qua, “châu Á tiếp tục củng cố vị thế là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo lớn toàn cầu trong hệ thống đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của thế giới”. Theo đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, cho biết năm nước gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Israel, nằm trong số 15 nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới. Đông Nam Á và Đông Á đang thu hẹp khoảng cách với châu Âu về đổi mới sáng tạo.
Ông Lý Bảo Đông, Tổng thư ký BFA cho rằng với sự giàu có tài nguyên trí tuệ và truyền thống đổi mới sáng tạo lâu dài, châu Á là ngôi nhà lớn cho phát triển và đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, chủ đề của BFA năm 2024 dự kiến là “Châu Á và thế giới: Những thách thức chung, Trách nhiệm chung” với bốn chủ đề chính: kinh tế thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới, phát triển xã hội và hợp tác quốc tế và bốn lĩnh vực chính: kinh tế toàn cầu, đổi mới khoa học và công nghệ, phát triển xã hội và hợp tác quốc tế, mỗi lĩnh vực phản ánh chủ đề chính là đoàn kết để phát triển.