📞

Góc nhìn khác về toàn cầu hóa: Được và mất (Kỳ I)

13:48 | 19/08/2017
Nhiều nhà kinh tế hàng đầu từng chỉ trích phong trào chống toàn cầu hóa là “tìm cách quay lại thời mông muội". Giờ đây, một số người trong họ đang dần thay đổi quan điểm này.

Hàng năm, cứ vào tháng Giêng, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ), tập trung các nhà lãnh đạo quốc gia, các ông trùm tập đoàn, chuyên gia kinh tế cũng như giới báo chí. Họ tới đây để thảo luận về những vấn đề kinh tế hệ trọng của thế giới, nhưng cũng kín đáo trao nhau những cơ hội làm ăn hay trò chuyện về trượt tuyết ở Thụy Sỹ như thế nào trong lúc thưởng thức sâm panh (champagne) và bánh khai vị. Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện lại khác. Sự hiện diện của những chai sâm panh hảo hạng không dấu nổi bầu không khí lo lắng và căng thẳng.

Biểu tình chống toàn cầu hóa ở thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), năm 1999. (Nguồn: AP).

Các thành viên tham gia WEF được đánh giá như những người đỡ đầu cho xu hướng toàn cầu hóa kinh tế mà nguyên tắc lớn nhất là thúc đẩy dịch chuyển của hàng hóa giữa các nước. Thế nhưng giờ đây, nguyên tắc này đang bị lung lay bởi hàng loạt các sự kiện chính trị lớn. Đầu tiên là việc nước Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu - khối thương mại lớn nhất thế giới. Theo sau là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và việc quốc gia hùng mạnh nhất thế giới rút khỏi một số hiệp định thương mại chủ chốt. Tổng thống Trump cũng là người hô khẩu hiệu chủ nghĩa Mỹ (Americanism) mới nên là nguyên tắc phát triển cơ bản, chứ không phải là toàn cầu hóa. Tiếp đến, ở Pháp, dù thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, bà Marine Le Pen cũng đã thu hút được sự ủng hộ của không ít người dân nước này vì quan điểm cho rằng toàn cầu hóa là mối nguy hại đối với nền văn minh phương Tây.

Toàn cầu hóa gây ra “tác dụng phụ” tại các nước phát triển: nhiều người lao động mất việc làm và mức lương không mấy lạc quan. Nếu không có giải pháp cho vấn đề này, tình hình sẽ trở nên tệ hơn, nhất là hậu quả về mặt xã hội: sự hòa nhập về kinh tế dẫn tới sự chia rẽ về xã hội tại các nước này.

Từ những lo ngại...

Nhà kinh tế học Dambisa Moyo - người ủng hộ mạnh mẽ xu hướng toàn cầu hóa kinh tế - từng thừa nhận trong quá trình này, chúng ta có thể phải chấp nhận "mất mát". Còn Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đề cập đến vấn đề "phân chia lại của cải hợp lý hơn" - ý tưởng hoàn toàn khác lạ với nguyên tắc tự do của toàn cầu hóa kinh tế.

Cơn bão toàn cầu hóa làm nhiều người lo ngại, đặc biệt là người lao động ở các nước công nghiệp phát triển. Do hàng hóa được tự do dịch chuyển với chi phí rẻ hơn, các ngành công nghiệp ở những nước phát triển - nơi lao động "đắt" hơn - được chuyển dịch sang các nước nghèo luôn có sẵn lao động giá rẻ. Vì thế, ở các nước phát triển, người lao động phải chấp nhận mức lương thấp hơn để có việc làm. Tuy nhiên, hàng sản xuất và nhập từ nước đang phát triển vẫn cứ rẻ hơn hàng họ sản xuất ra trong nội địa. Vì thế, họ cần phải được đào tạo thành nhân lực chất lượng cao nếu không muốn bị thất nghiệp. Rõ ràng, các nhà kinh tế ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa mới chỉ nghĩ đến vấn đề lợi nhuận mà chưa để ý đến các hậu quả chính trị - xã hội của nó.

Trước đây, họ thường lập luận tự do hóa thương mại sẽ có lợi cho cả đôi bên: người tiêu dùng các nước giàu được dùng hàng hóa rẻ hơn, còn các nước nghèo sẽ tăng trưởng kinh tế tốt hơn vì được đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa. Hai mươi năm trước, nhà kinh tế học Dani Rodrik thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã xuất bản cuốn sách có nhan đề "Liệu toàn cầu hóa có đi quá xa?". Khi ấy, người ta cho là nội dung của cuốn sách thật lạc điệu. Ít ai ngờ, giờ đây, ở một số nước phát triển, người lao động lại bầu cho các chính sách chống tự do thương mại. Các cuộc khảo sát ở các nước phát triển cho thấy người lao động có tâm lý lo lắng, bất an trong thế giới toàn cầu hóa thương mại. Nhưng tác động của họ đến chính sách có thể chặn hiện tượng toàn cầu hóa lại hay không? Không ai có câu trả lời chắc chắn cả.

Phong trào chống toàn cầu hóa đã được xướng bởi các lực lượng cánh tả. Ban đầu, vào những năm 1990, chỉ có vài ý kiến nhỏ lẻ phản đối toàn cầu hóa vì cho rằng nó gây hại nhiều hơn là mang đến những điều tốt đẹp. Càng ngày phong trào này càng trở nên lớn mạnh hơn và tiến tới chỉ trích trực tiếp các tổ chức và sự kiện như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) hay Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Các nhà hoạt động của phong trào này làm dấy lên mối quan tâm về tác hại của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển - nơi mà toàn cầu hóa được cho là đặc biệt có tác động tích cực.

... đến phản ứng...

Để phản ứng lại phong trào này, các nhà kinh tế tới tấp cho ra đời những cuốn sách và các bài báo ủng hộ tự do hóa thương mại. Thậm chí, một số nhà kinh tế còn chế giễu những người chống toàn cầu hóa như "kẻ không biết nghĩ đến những người lao động ở các nước nghèo" hay "kẻ bồng bột nông nổi có cuộc sống quá đầy đủ và tự dưng lại quan tâm tới quyền của người lao động nghèo".

Trước đây, ý tưởng chung vẫn là cho dù có thể có những hậu quả tiêu cực, toàn cầu hóa vẫn nên diễn ra vì những khía cạnh tích cực cao hơn của nó. Nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati viết trong cuốn "Bảo vệ toàn cầu hóa": "tự do thương mại mạnh hơn dẫn đến tăng trưởng cao hơn…, tăng trưởng cao hơn dẫn đến giảm đói nghèo". Các tác động xấu của toàn cầu hóa không làm thay đổi cách nhìn nhận rằng xu hướng này mang đến sự phát triển lợi ích chung cho cả xã hội. Hơn nữa, các quan ngại về quyền lợi của người dân ở những nước nghèo đang bị lu mờ trước các vấn đề khác như tăng trưởng GDP chậm lại hay ô nhiễm môi trường. Ngoài nhà kinh tế học Dani Rodrik và cựu lãnh đạo WB Joseph Stiglitz - hai người thể hiện nhiều quan ngại với toàn cầu hóa – các nhà kinh tế khác có chung đánh giá toàn cầu hóa là xu hướng tốt nhất hiện nay.  Thực tế, từ khi có toàn cầu hóa,  nhiều nước đang phát triển đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đời sống người dân được nâng cao.

Vấn đề bảo vệ người lao động là một trong những trọng tâm của phong trào chống toàn cầu hóa.

... và quan điểm lung lay

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số nhà kinh tế nổi bật thay đổi quan điểm này. Ông Paul Krugman, người giành giải Nobel Kinh tế 2008 về lý thuyết thương mại và địa kinh tế, từng chỉ trích mạnh mẽ những người chống toàn cầu hóa và lập luận là xu hướng này ảnh hưởng rất nhỏ đến mức lương của người lao động ở các nước phát triển, giờ đây cho biết ông cảm thấy "tội lỗi". Năm 2008, ông Krugman thừa nhận nhiều số liệu đã chứng tỏ sự thực là tự do hóa thương mại ảnh hưởng tới lương của người lao động ở các nước phát triển nhiều hơn ông dự đoán.

Các cuộc khủng hoảng đồng Euro, giá dầu và một số hàng hóa khác giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tự do thương mại toàn cầu. Tăng trưởng trao đổi thương mại chững lại, giờ chỉ đạt nửa mức trung bình của giai đoạn ba thập kỷ trước. Toàn cầu hóa đang mất đi tốc độ của nó. Các thị trường bắt đầu mệt mỏi, không còn nhiều thứ để khai thác. Và thế giới đang chứng kiến sự nổi lên của phong trào hướng tới các chính sách bảo hộ quốc gia. Trong khi đó, các sự kiện chính trị nói trên có ảnh hưởng lớn tới xu hướng toàn cầu hóa và sẽ tiếp tục có thêm những tác động.

Một số nhà kinh tế nhận định cơ hội làm ăn ở các nước đang phát triển có phần giảm đi và vì thế, các nước phát triển cần hướng tới chính sách theo "chủ nghĩa dân tộc có trách nhiệm". Giáo sư Đại học Harvard Larry Summers, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhấn mạnh: "trách nhiệm cơ bản nhất của chính phủ là đảm bảo lợi ích của người dân, không phải là theo đuổi nguyên tắc trừu tượng về lợi ích của toàn cầu".

Có thể nhận thấy, toàn cầu hóa – ý tưởng đã làm thay đổi cả thế giới – dường như đang mất đi vị thế vốn có của nó. Ngay cả một số nhà kinh tế từng nhiệt tình ủng hộ xu hướng này cũng bắt đầu thay đổi dần niềm tin của họ. Vậy họ đã sai ở chỗ nào?

Đón đọc kỳ II: “Sai ở chỗ nào?”