📞

Iran lâm thế khó nếu muốn tấn công trả đũa Israel

16:55 | 03/05/2018
Theo phân tích của hãng tin AP, vụ không kích lần thứ hai tại Syria khiến một bộ phận thuộc lực lượng binh sĩ Iran tại đây thiệt mạng nhưng Iran bị cho là không có nhiều lựa chọn để tiến hành trả đũa.

Hiện nay, nước Cộng hoà Hồi giáo này khó có thể ra quyết định đáp trả khi đang phải đau đầu đối phó với tình trạng bất ổn trong nước và khả năng thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc phương Tây bị sụp đổ.

AP nhận định, mặc dù Iran lâu nay lên tiếng đe dọa sự tồn tại của Israel, song Tehran không có lực lượng không quân hiện đại để đối đầu với Israel. Khả năng sử dụng tên lửa đạn đạo của Iran cũng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi tính đến hệ thống phòng không (hiện đại) của Israel, khả năng gần như chắc chắn về việc Israel sẽ đáp trả ở quy mô lớn và nguy cơ bị phương Tây xa lánh hơn nữa trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong khi đó, chiến lược lâu dài của Iran là dựa vào các lực lượng ủy nhiệm và các nhóm vũ trang liên minh lại đang đối mặt với những hạn chế nhất định. Ví dụ, nhóm vũ trang Hezbollah đang vật lộn trong cuộc chiến kéo dài ở Syria có thể không hứng thú tham gia vào cuộc xung đột khác. Trong khi đó, nhóm vũ trang Hồi giáo theo dòng Shiite lại đang cố thâm nhập sâu hơn vào đời sống chính trị nội bộ của Lebanon.

Giới hạn sức mạnh quân sự của Iran

Mặc dù Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei gọi vụ tấn công hôm 9/4 là "một tội lỗi" và giới chức Tehran đe dọa sẽ trả đũa, nhưng các lực lượng quân truyền thống của Iran có những giới hạn đáng kể, thậm chí có thể nói là lực lượng không quân Iran đã không còn duy trì được sức mạnh kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Nguồn: AP)

"Xương sống" của không quân Iran vẫn là những thế hệ chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất từ thời trước cách mạng 1979 như F-4s, F-5s và F-14s, cùng với các thế hệ chiến đấu cơ của Pháp và Liên Xô (cũ) đã "quá đát". Phi đội của Iran không thể sánh được hỏa lực của phi đội do Mỹ cung cấp cho Israel và các nước Arab vùng Vịnh.

Để đối phó với điều này, Iran đã đổ tiền của vào phát triển lực lượng tên lửa đạn đạo mà nước này nói rằng nhằm ngăn chặn một vụ tấn công trực tiếp từ trên không. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng bán quân sự theo đường lối cứng rắn dưới sự chỉ huy tối cao của Khamenei, kiểm soát lực lượng tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Irael này.

Gần đây, đã có tiền lệ khiến Iran phóng tên lửa đạn đạo để trả thù. Ví dụ, hồi tháng 6/2017, Iran đã bắn 6 quả tên lửa nhằm vào các nơi trú ẩn của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria để đáp trả vụ tấn công do IS thừa nhận tiến hành nhằm vào tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ruhollah Khomeini. Trong khi đó, Israel, trong khuôn khổ hợp tác với Mỹ, cũng đã phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng có thể bảo vệ nước này trước hỏa lực tên lửa của Iran. 

Một vụ đáp trả bằng tên lửa nhằm vào Israel sẽ kéo theo sự đáp trả tức thời của phương Tây, nhất là Mỹ, vốn lâu nay đóng vai trò là "nhà bảo trợ" cho sự an toàn của Israel. Bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ khiến Iran bị cô lập hơn nữa trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với thời hạn chót 12/5 để đưa ra quyết định về Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Một vụ nổ tại thành phố Hama ở Syria hôm 29/4. (Nguồn: Times of Israel)

Mặc dù người dân Iran chưa được hưởng lợi ích trực tiếp nào từ thỏa thuận này, song họ đã cảm nhận những vấn đề kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng đồng nội tệ Rial rớt giá thảm hại so với đồng bạc xanh. Giới chức Iran hiểu rõ rằng, sự tức giận của người dân, cùng với sự bất bình vẫn chưa nguôi ngoai sau các cuộc biểu tình trên khắp cả nước từ tháng 12/2017 đến tháng 1/2018, là thách thức ngày một lớn hơn đối với chính quyền của họ.

Các vấn đề liên quan lực lượng ủy nhiệm

Iran có thể dựa vào các lực lượng ủy nhiệm và đồng minh quân sự trong khu vực để thực hiện một vụ tấn công, một chiến lược mà Tehran đã sử dụng thành công sau cuộc chiến thảm hại với Iraq vào những năm 1980. Lực lượng ủy nhiệm lớn nhất của Iran là Hezbollah, nhóm vũ trang của Lebanon và một tổ chức chính trị đã đẩy các lực lượng chiếm đóng của Israel ra khỏi Lebanon hồi năm 2000. Kể từ đó đến nay, Hezbollah vẫn là lực lượng đối địch của Israel.

Những vùng đồi núi trùng điệp ở miền Nam Lebanon sát biên giới với Israel vẫn là thành trì của Hezbollah. Iran có thể dựa vào Hezbollah để trả đũa Israel song Hezbollah lại đang tham chiến ở Syria với thiệt hại quân số lên đến hàng trăm người sau các chiến dịch nhằm ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Hezbollah cũng muốn thâm nhập sâu hơn nữa vào nền chính trị Lebanon khi quốc gia này tiến hành bỏ phiếu hôm 29/4 để bầu ra quốc hội mới lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua.

Việc khởi động một cuộc chiến mới có thể đe dọa nền tảng ủng hộ chính trị của lực lượng này, nhất là đối với nhóm cử tri theo dòng Hồi giáo Shi'ite ở Lebanon vốn lo ngại xảy ra một cuộc chiến thảm hại khác với Israel.

(theo AP, Times of Israel)