📞

Liên minh tình báo 'Ngũ Nhãn' đang đối đầu với Trung Quốc?

CHÂU LONG 06:45 | 22/10/2020
TGVN. Liên minh tình báo hàng đầu của thế giới phương Tây mang tên Ngũ Nhãn (Five Eyes) tính đến việc mở rộng tổ chức khi mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với Trung Quốc đang trở nên căng thẳng.

Liên minh gián điệp hàng đầu của thế giới phương Tây đang tìm cách đa dạng hóa các hoạt động với mục đích tìm kiếm các thông tin tình báo tốt hơn trên các lĩnh vực, từ Covid-19 cho đến nạn buôn bán trẻ em.

Gia tăng mối quan tâm về Trung Quốc

Mạng lưới Five Eyes, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, cũng đang cân nhắc các lời đề nghị mới về việc tiếp nhận thêm các quốc gia thành viên khi sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng sâu sắc.

Mạng lưới Five Eyes bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. (Nguồn: Blokt)

Các động thái trên diễn ra dù Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đặt câu hỏi về những phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ và sự thiếu tin tưởng của ông đối với các đồng minh quan trọng.

Mối quan tâm chung về Trung Quốc của các nhà lãnh đạo từ năm quốc gia lớn dần khi sự quyết đoán của Bắc Kinh ngày càng tăng, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm. Từng thận trọng khi đối mặt với các mối đe dọa - hay là mối đe dọa tiềm tàng từ Bắc Kinh, hiện nhiều chính trị gia phương Tây đã tỏ thái độ rõ ràng hơn về vấn đề này.

Jonathan Eyal, Giám đốc quốc tế tại Viện Nghiên cứu hoàng gia về các vấn đề quốc phòng và an ninh (London, Anh) cho rằng, với những thay đổi như vậy trong thời gian gần đây, các thông tin tình báo liên quan đến Trung Quốc sẽ được quan tâm thu thập và trên một phương diện nào đó thì điều này tương tự với cách thức vận hành thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Không giống như những mật vụ được miêu tả trong phim Nhiệm vụ bất khả thi, Five Eyes không có nhân viên chính thức và không có trụ sở chính. Đó là một mạng lưới không chính thức, liên kết các tổ chức bao gồm Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), Cục tình báo điện tử truyền thông Anh (GCHQ) và Cơ quan tình báo Australia.

Sự tồn tại của Five Eyes không được thừa nhận công khai cho đến đầu những năm 2000. Tổ chức này bắt đầu có những tín hiệu công khai hơn khi phát ra một số thông cáo báo chí về các cuộc họp. Nếu như trước đây, nhiệm vụ của Five Eyes chú trọng vào việc chia sẻ tín hiệu tình báo thông qua hệ thống thông tin liên lạc điện tử hay radar thì ngày nay các thiết bị chia sẻ thông tin đa dạng hơn và các vấn đề được chia sẻ cũng phong phú hơn.

Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab đã đề cập sự thay đổi của liên minh tình báo này khi kêu gọi các đối tác tình báo "chia sẻ gánh nặng" nếu người dân Hong Kong rời khỏi thành phố theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc ban hành đầu năm nay.

Sau đó, các quan chức của nhóm Five Eyes, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr, đã thảo luận về nguy cơ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến và các hoạt động thù địch chống nhà nước. Các bộ trưởng tài chính của nhóm Five Eyes cũng đã thảo luận về tác động kinh tế của Covid-19 trong khi các bộ trưởng quốc phòng cam kết tham vấn thường xuyên hơn. Vào tháng 9, các quan chức của 5 nước đã cam kết tăng cường phối hợp thực hiện các chính sách chống độc quyền.

Các động thái gia tăng hoạt động của Five Eyes cho thấy mức độ quan tâm sâu sắc của phương Tây về Trung Quốc. Trong khi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc chiếm ưu thế trong hai năm đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống thì căng thẳng giữa Bắc Kinh và các quốc gia Five Eyes khác cũng đang gia tăng trong những năm gần đây.

Có thể đơn cử trường hợp từng nước như sau:

Năm 2018, tranh cãi về cáo buộc can thiệp chính trị của Trung Quốc ở Australia khiến chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull khi đó phải thông qua luật mới liên quan đến ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài. Thực hiện sáng kiến ​​do Tổng thống Trump ủng hộ, Australia cũng chặn quyền tiếp cận của tập đoàn Huawei vào đối với mạng 5G trong tương lai của nước này. Các động thái tương tự diễn ra ở New Zealand.

Các sự kiện ở Canada thậm chí còn gay cấn hơn. Sau khi nhà chức trách Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu vào tháng 12/2018, phía Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada để trả đũa. Trung Quốc cũng ngừng mua hạt cải dầu và đậu nành của Canada.

Anh hành động muộn hơn. Quyết định ban đầu của Vương quốc Anh cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G khiến nước này bị chính quyền tổng thống Trump “dọa” sẽ không chia sẻ thông tin tình báo nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Thêm vào đó, tình hình ở Hongkong đã khiến Anh “nghiêng ngả” và đặc biệt sau khi tỏ ý không hài lòng về việc Trung Quốc xử lý với dịch Covid-19. Vào tháng 7, Anh đảo ngược quyết định đối với Huawei, thông báo rằng họ sẽ cấm hãng này tham gia mạng 5G trong tương lai.

Sẽ có thêm thành viên?

Tháng 10/2018, Reuters đưa tin rằng các quốc gia Five Eyes đã mở rộng phạm vi hợp tác không chính thức với các quốc gia như Đức và Nhật Bản nhằm đối phó với Trung Quốc.

Vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bấy giờ là Taro Kono nói với tờ Nikkei rằng đất nước của ông mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với nhóm Five Eyes, thậm chí nói đến khả năng đổi tên thành nhóm Lục Nhãn (Six Eyes), lập luận rằng các nước có cùng giá trị và bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đề cập những trở ngại của việc mở rộng nhóm. Randy Phillips, cựu Trưởng đại diện của CIA tại Trung Quốc, hiện đang làm việc cho tập đoàn Mintz cho biết: “Nhóm càng lớn thì các cơ quan liên quan càng muốn bảo vệ các nguồn tin và phương pháp của riêng họ”.

Chris Johnson, cựu chuyên gia về Trung Quốc của CIA, hiện đứng đầu công ty tư vấn China Strategies Group, nói rằng cấu trúc hiện thời của Five Eyes là một công cụ chính trị thuận tiện để các chính phủ sử dụng khi có lợi ích chung nhưng tỏ ra nghi ngờ về khả năng mở rộng của nhóm.

Điều đó được cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chiến lược và tình báo của Australia Hugh White đồng tình. Ông Hugh White cho rằng liên minh Five Eyes khó có khả năng tái cấu trúc với mục đích đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Thực tế, dù có mối quan tâm chung về Trung Quốc nhưng nhiều nước được cho là vẫn chưa có lập trường vững chắc. Canada chưa có thái độ rõ ràng về vai trò của Huawei trong mạng 5G của mình. Australia ngày càng quyết đoán hơn trong các giao dịch với Bắc Kinh nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Ở New Zealand, dù Thủ tướng Jacinda Ardern đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối tuần trước nhưng chính phủ có xu hướng thận trọng với Trung Quốc, quốc gia ca ngợi chiến thắng của bà Ardern và nhắc đến “sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau” giữa hai quốc gia. Trên con đường tìm kiếm một ví trí mới trong thế giới hậu Brexit, Anh cũng sẽ cần các đối tác thương mại giàu tiềm năng như Trung Quốc.

Trong cuộc họp gần đây với các nhà ngoại giao Anh, chính Ngoại trưởng Anh Raab cảnh báo nước này cần cảnh giác với việc bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington.

Nhưng nhiều học giả đồng quan điểm rằng hành vi của Trung Quốc trong thời gian gần đây khiến các nước trong liên minh Ngũ Nhãn đang xích lại gần nhau. Ông Jonathan Eyal nhận xét: “Hành vi của Trung Quốc kể từ đầu năm, khi đại dịch bắt đầu, đã quá nghiêm trọng, rõ ràng là thù địch và động chạm đến các chính trị gia đến mức khiến họ xích lại gần nhau hơn”.

(theo Japan Times)