Ngày 30/9 hàng năm được Liên hợp quốc ghi nhận là Ngày Biên - Phiên dịch quốc tế. (Nguồn: Freepik) |
Công tác biên-phiên dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng trên thế giới hiện nay. Từ việc dịch các tài liệu quan trọng, cho đến những cuốn sách “best-seller”, những người làm công việc này có trách nhiệm thúc đẩy giao tiếp giữa các cá nhân, gắn kết các quốc gia với nhau, tạo điều kiện cho đối thoại, hiểu biết và hợp tác, góp phần phát triển và củng cố hòa bình và an ninh thế giới.
Công việc của họ có thể tác động đến quan hệ giữa các quốc gia và thậm chí thay đổi tiến trình lịch sử. Dịch thuật là một công việc thầm lặng, đòi hỏi những nhà biên-phiên dịch phải có hiểu biết sâu rộng không chỉ về ngôn ngữ, mà còn là chính trị, văn hóa, lịch sử…
Do vậy, để tôn vinh những con người thầm lặng đó, ngày 24/5/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 71/288 quyết định chọn ngày 30/9 hằng năm là Ngày Biên-Phiên dịch quốc tế để ghi nhận đóng góp, vai trò kết nối con người, dân tộc của những người làm công tác biên-phiên dịch.
Lịch sử Ngày Biên-Phiên dịch quốc tế
Trong suốt lịch sử loài người, dịch thuật đóng một vai trò quan trọng trong kết nối các xã hội khác nhau trên thế giới nhằm chia sẻ kiến thức trên phạm vị toàn cầu. Mỗi một vùng đất, lãnh thổ có một ngôn ngữ khác nhau. Theo Ethnologue, số lượng ngôn ngữ sống của con người trên thế giới là 7.139, phân bố ở 142 ngữ hệ khác nhau.
Ngày 30/9 là ngày lễ của Thánh Jerome (345-420), người đã chuyển ngữ Kinh Thánh từ các bản viết tay tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh và được Giáo hội suy tôn làm thánh bổn mạng của giới dịch thuật và thông ngôn. Không chỉ là người đặt nền móng cho nghề dịch thuật, Jerome còn được xem là vị thánh bảo hộ, luôn hỗ trợ, ban phước lành, mang đến cho những người trong giới cảm giác bình yên, thoải mái và vững tâm.
Thánh Jerome có tổ tiên là người Illyrian và tiếng mẹ đẻ của ông là thổ ngữ Illyrian. Ông học tiếng Latinh ở trường và thông thạo cả tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái. Thánh Jerome qua đời gần Bethlehem vào ngày 30/9/420.
Thành tựu lớn nhất của thánh Jerome chính là việc dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Quyển Kinh Thánh này sau đó được công nhận là bản Vulgate (bản chính thống, phổ thông) và được công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Đức Thánh Giáo hoàng Damaso I đã cho phép phổ biến và dùng bản dịch này như văn bản Thánh Kinh chính thức của giáo hội.
Là người sùng bái Thiên Chúa và Đức Kito Jesus, thánh Jerome đã dày công nghiên cứu, tìm tòi bằng tất cả tâm huyết để dịch thuật Kinh Thánh nhằm truyền bá tư tưởng cốt lõi của quyển sách vĩ đại này tới mọi người. Vì thế, ông còn được biết đến như vị thánh bảo hộ của giới học giả Kinh Thánh, thủ thư thư viện, trường học…
Kể từ năm 2005, hằng năm, Liên hợp quốc mời tất cả nhân viên của mình, nhân viên cơ quan đại diện thường trực và sinh viên từ các trường đại học đối tác tham gia cuộc thi Dịch thuật St. Jerome.
Cuộc thi trao thưởng cho các bản dịch tốt nhất bằng tiếng Arab, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Đức nhằm tôn vinh chủ nghĩa đa ngôn ngữ và nêu bật vai trò quan trọng của các dịch giả và các chuyên gia ngôn ngữ khác trong ngoại giao đa phương.
Trên thực tế, Liên đoàn Dịch giả quốc tế (FIT) đã quảng bá về ngày thế giới tôn vinh nghề biên phiên dịch kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1953. Năm 1991, FIT đã có sáng kiến chính thức công nhận ngày 30/9 hằng năm là Ngày Biên-Phiên dịch quốc tế nhằm đoàn kết đội ngũ dịch giả trên toàn cầu và tôn vinh dịch thuật. |
Giá trị cốt lõi của nhân loại
Ngôn ngữ, với những tác động đến bản sắc, giao tiếp, hội nhập xã hội, giáo dục và phát triển có tầm quan trọng chiến lược đối với con người và thế giới.
Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập, các dịch giả đã đóng vai trò to lớn trong việc giúp các quốc gia tìm được tiếng nói chung. Liên hợp quốc công nhận, tất cả các nền văn minh và các nền văn hóa là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.
Ngay cả khi thế giới trải qua những thời điểm khó khăn, bất ổn của chiến tranh, các nhà phiên dịch vẫn đóng vai trò to lớn trên các bàn đàm phán ngoại giao, nhằm thu hẹp khoảng cách ngôn ngữ cũng như sự bất đồng và tìm kiếm các giải pháp hòa bình, nhân đạo. Như vậy, dịch thuật cũng rất quan trọng đối với sự ổn định của thế giới.
Do đó, vai trò của một phiên dịch viên là rất quan trọng trong việc kết nối tất cả các nền văn hóa khác nhau này lại mà không để xảy ra bất kỳ sự hiểu lầm và thông tin sai lệch nào.
Đều là người biết ngoại ngữ nhưng không phải ai cũng làm dịch thuật được, nhất là làm dịch thuật chuyên nghiệp vì ngoài ngôn từ ra còn cần có nền tảng kiến thức về chuyên môn, về văn hóa dân tộc của các ngôn ngữ. Vậy nên, người làm biên-phiên dịch là người đạt “cảnh giới” cao nhất của người biết ngoại ngữ.
Thật vậy, những nhà biên dịch và phiên dịch cho Liên hợp quốc được đi khắp thế giới gặp gỡ nhiều người thú vị và đôi khi có quyền tiếp cận với những thông tin chính trị toàn cầu. Đó là một công việc vô cùng áp lực.
Hiện nay, ngôn ngữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển, trong việc bảo đảm sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa, cũng như việc đạt chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người, tăng cường hợp tác, xây dựng xã hội tri thức toàn diện, bảo tồn di sản văn hóa và huy động ý chí chính trị để áp dụng lợi ích của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển bền vững.
Là một yếu tố thiết yếu trong giao tiếp hài hòa giữa các dân tộc, đa ngôn ngữ cũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc coi là giá trị cốt lõi của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Bằng cách thúc đẩy sự khoan dung, đa ngôn ngữ khuyến khích sự tham gia hăng hái của tất cả mọi người vào công việc của Liên hợp quốc, đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn, hiệu suất tốt hơn và cải thiện tính minh bạch.
Công việc của các biên dịch viên và phiên dịch viên sẽ luôn tiếp tục trong thầm lặng với sự cần mẫn và không phải ai cũng đòi hỏi sự công nhận rộng rãi. Ngày Biên-Phiên dịch quốc tế giúp công chúng quan tâm và chú ý đến công sức của họ, đồng thời mang đến cơ hội để cảm ơn những người đã giúp truyền tải vô vàn kiến thức cho thế giới.
Liên hợp quốc là một trong những tổ chức tuyển dụng các “chuyên gia ngôn ngữ” nhiều nhất thế giới. Hiện có hàng trăm nhân viên biên-phiên dịch làm việc tại các văn phòng của Liên hợp quốc ở New York, Geneva, Vienna và Nairobi, hoặc tại các ủy ban khu vực của Liên hợp quốc ở Addis Ababa, Bangkok, Beirut, Geneva và Santiago. Các biên phiên dịch viên của Liên hợp quốc có nhiệm vụ xử lý tất cả các loại tài liệu, từ các tuyên bố của các quốc gia thành viên cho đến các báo cáo của các cơ quan chuyên trách. Các tài liệu của Liên hợp quốc thường được ban hành đồng thời bằng sáu ngôn ngữ chính thức của tổ chức (tiếng Arab, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha). Một số tài liệu quan trọng cũng được dịch sang tiếng Đức. |