Reuters dẫn lời một số nhân chứng khẳng định đây có thể là hành động trả thù vụ bạo động hồi tháng 1/2010 với phần lớn người thiệt mạng là người Hồi giáo. Theo AFP, người dân ở Jos cáo buộc thủ phạm vụ thảm sát người Thiên chúa giáo Berom là nhóm sắc tộc Fulani theo đạo Hồi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bạo lực ở Jos không xuất phát từ nguyên nhân tôn giáo, mà từ những khác biệt sắc tộc và kinh tế-xã hội. Đó là sự xung đột giữa người chăn nuôi gia súc và nông dân truyền thống, chỉ có điều là toàn bộ người Fulani là người Hồi giáo, còn tất cả người Berom là dân Thiên chúa giáo. Trong 154 triệu dân Nigeria, người Hồi giáo chiếm 50,5% và 48,2% là Thiên Chúa giáo.
Sau vụ bạo động, quyền Tổng thống Goodluck Jonathan đã sa thải cố vấn an ninh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi các bên kiềm chế. Ông Ban Ki-Moon yêu cầu các lãnh đạo tôn giáo ở Nigeria thảo luận để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Jos.
Theo các nhà bình luận, các vụ bạo lực tôn giáo ở Nigeria chủ yếu xuất phát từ những vấn đề địa phương hơn là chịu ảnh hưởng từ các tổ chức cực đoan quốc tế. Vụ bạo lực mới nhất cho thấy Nigeria đang trong tình thế nguy hiểm khi nước này tiến gần đến giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2011 với nỗi lo về sự tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Umaru Yar’Adua – người muốn níu giữ quyền lực và quyền Tổng thống Jonathan.
Jos đã bị quân đội áp dụng lệnh giới nghiêm từ tối đến sáng, kể từ sau khi nổ ra bạo lực tôn giáo hồi tháng 1/2010 khiến 300 người chết, hầu hết là người theo đạo Hồi. Người ta không rõ vì sao những kẻ tấn công đêm 7/3 lại có thể vượt qua được lệnh giới nghiêm. Jos nằm trong một điểm du lịch nổi tiếng của đất nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 của châu Phi. Hàng chục nhóm sắc tộc sống lẫn lộn trên vùng đất màu mỡ nhưng đầy thách thức ngăn chia giữa miền Bắc của người Hồi giáo với miền Nam của người Thiên Chúa giáo. Bạo loạn tháng 9/2001 đã giết chết hơn 1.000 người. Các cuộc tấn công giữa những người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo năm 2004 đã cướp đi mạng sống của 700 người. Năm 2008 có thêm hơn 300 cư dân Jos chết vì một cuộc bạo lực tương tự.
Duy Phúc