Hai tuần qua là quãng thời gian kinh hoàng với nước Pháp và cộng đồng Hồi giáo tại đây.
Ngày 25/9, hai người bị đâm trọng thương ở bên ngoài nơi từng là trụ sở Tòa soạn Charlie Hebdo, nổi tiếng với loạt ảnh châm biếm nhà tiên tri Muhammad.
Ngày 17/10, một thầy giáo dạy sử tại trường trung học đã bị học sinh theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sát hại dã man sau khi trình chiếu tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad trong buổi học về tự do ngôn luận.
Ngày 29/10, một thanh niên Hồi giáo cực đoan người Tunisia đã cầm dao dài 30cm vào Nhà thờ Đức Bà ở Nice và giết chết ba người, trong đó một phụ nữ gần như trong tình trạng đầu lìa khỏi cổ.
Người ta có thể nói rằng thương vong từ những vụ việc ấy không là gì so với đại dịch Covid-19, nhưng nỗi sợ hãi từ một vụ Charlie Hebdo mới, sự nghi kỵ lẫn nhau mà cái hành xử man rợ của kẻ phạm tội reo rắc trong lòng xã hội thì hơn thế.
Đại dịch Covid-19 là yếu tố đến từ bên ngoài và người Pháp, với nền y học tiên tiến, chính sách hợp lý cùng sự đồng lòng của người dân, hoàn toàn có thể vượt qua. Song xung đột kéo dài giữa quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo, bất mãn gia tăng trong cộng đồng người Hồi giáo với chính phủ Pháp đã âm ỉ từ lâu và chưa có lời giải đáp.
Đáng ngại hơn, nó không còn là chuyện riêng chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron hay Paris, mà đã vượt ra khỏi biên giới nước Pháp và trở thành vấn đề chung của châu Âu và các nước phương Tây.
Chính sách với người Hồi giáo là điều mà chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác đang đau đầu. (Nguồn: AP) |
Tầm nhìn hay “vạ miệng”?
Trước hết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến căng thẳng giữa chính quyền Pháp với cộng đồng Hồi giáo là tuyên bố từ ông Emmanuel Macron. Sau cái chết của thầy giáo Samuel Paty, ông chủ điện Elysee đã lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, trong đó có vẽ tranh châm biếm nhà tiên tri Muhammad.
Cách đây một tháng, ông Macron cho rằng Hồi giáo đang “khủng hoảng trên toàn cầu” và công bố kế hoạch “cải tổ Hồi giáo” để tương thích hơn với “giá trị dân chủ” của Pháp.
Đành rằng ông Macron muốn đi tiên phong trong việc dùng luật pháp quốc gia để tách biệt đạo Hồi với Hồi giáo cực đoan, không để các thế lực cực đoan lợi dụng ranh giới mong manh để gieo rắc kinh hoàng.
Tuy nhiên, thúc đẩy tiến trình trên ở thời điểm nhạy cảm này lại là chuyện khó, khi phương án của ông chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu, thậm chí có nguy cơ biến nước Pháp thành mục tiêu của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Phát biểu của ông Macron đã khơi dậy làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng Hồi giáo tại Pháp và toàn thế giới. Trong thư gửi ông Macron ngày 31/10, đại diện hơn 20 tổ chức Hồi giáo tại châu Âu cho rằng việc “vu khống đạo Hồi và người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ, tổ chức nhân đạo và quyền của người Hồi giáo, kích động thù hận” đã khiến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển, dẫn đến các vụ tấn công đẫm máu.
Họ kêu gọi ông ngừng “phát ngôn kích động thù hận, phân biệt, gây chia rẽ và hãy sử dụng khả năng lãnh đạo đưa mọi người xích lại gần nhau”.
Chiều ngày 31/10, Tổng thống Pháp đã trả lời phỏng vấn đài Al Jaazera trong 55 phút, phát sóng bằng tiếng Arab. Theo giới chuyên gia, đây là cách ông giãi bày, làm dịu sự phẫn nộ của người Hồi giáo, bởi đài truyền hình của Qatar thường được thế giới Arab theo dõi.
Ông nhấn mạnh rằng “nước Pháp không có chút vấn đề với người Hồi giáo” và họ có quyền tự do hành đạo, khẳng định phát biểu của mình đã bị tách khỏi ngữ cảnh và phóng đại thái quá.
Tuy nhiên, cộng đồng người Hồi giáo mong chờ nhiều hơn cách tiếp cận, thay đổi về mặt chính sách, điều ông Macron đã hứa nhưng chưa thể làm.
Tới chuyện chẳng của riêng ai
Tin liên quan |
PHÂN TÍCH. Nước Pháp với Hồi giáo cực đoan: Chuyện mới nới chuyện cũ |
Cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp có tới 5,7 triệu người, tương đương 8,8% dân số quốc gia và có quy mô lớn nhất trong các nước phương Tây song những gì mà họ nhận được là chưa tương xứng. Người Hồi giáo tại Pháp thường xuyên phải chọn giữa tôn giáo và quyền công dân.
Song xa hơn, xung đột tôn giáo là vấn đề đã âm ỉ từ lâu và chưa bao giờ được cân nhắc, giải quyết triệt để. Hẳn người Pháp không quên vụ đâm xe kinh hoàng do một kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thực hiện khiến 86 người thiệt mạng và 400 bị thương tại Nice.
Đến nay, các tuyên bố và chính sách của ông Macron chưa thể cải thiện, thậm chí còn khiến tình trạng này trầm trọng hơn; ba vụ việc đau lòng liên tiếp hai tuần qua là minh chứng rõ nét.
Đây là bài toán không chỉ của riêng Pháp. Đức, Anh hay Bỉ cũng tìm kiếm cân bằng giữa tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và an ninh quốc gia trong chính sách với cộng đồng Hồi giáo đông đảo, vốn đóng vai trò ngày một quan trọng trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại châu Âu hậu đại dịch Covid-19.
Đáng ngại hơn, bất đồng âm ỉ giữa cộng đồng người Hồi giáo và các chính quyền một số quốc gia châu Âu đang có xu hướng bị chính trị hóa thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, với một số nhân vật cố gắng thể hiện vai trò người bảo vệ cho đạo Hồi như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hay cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Đây sẽ là những lực cản đáng kể khiến câu chuyện giữa cộng đồng Hồi giáo và nước Pháp nói riêng, cũng như giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây nói chung, sẽ còn căng thẳng và dai dẳng.
| Góc nhìn chuyên gia trước bầu cử Mỹ: Thấy 'người trước', rõ 'người sau' nhưng chưa ngã ngũ người về đích TGVN. Khi cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang tới rất gần, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại ... |
| Khủng bố Al-Qaeda đe dọa trả thù Tổng thống Pháp TGVN. Ngày 2/11, chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi (AQIM) đã kêu gọi các thành viên sát hại ... |
| Thêm 1 đối tượng liên quan đến vụ tấn công bằng dao ở Pháp bị bắt giữ TGVN. Lực lượng cảnh sát Pháp đã tiến hành bắt giữ thêm 1 đối tượng được cho là có liên quan đến vụ tấn công ... |