📞

Phép thử quan hệ Mỹ - Trung thời Donald Trump

14:00 | 23/12/2016
Việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ là động thái hết sức bất ngờ, song nó sẽ không trở thành “giọt nước tràn ly” trong quan hệ hai nước.

Ngày 15/12, trong vùng biển quốc tế cách vịnh Subic (Philippines) 160 km về phía Tây Bắc, hải quân Trung Quốc đã thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của tàu nghiên cứu khảo sát hải dương của Mỹ USNS Bowditch.

Vụ việc khiến Mỹ phản ứng gay gắt. Theo Reuters, Mỹ xem hành động chưa từng có tiền lệ này của Trung Quốc là hành vi nghiêm trọng vì Trung Quốc đã thu giữ tài sản của quân đội Mỹ. Thậm chí, Tổng thống đắc cử Donald Trump còn cáo buộc trên mạng Twitter rằng Trung Quốc đã “ăn cắp” UUV của hải quân Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain lên án hành động của Trung Quốc là “vi phạm trắng trợn tự do trên biển” và “sự khiêu khích này trùng hợp với mô thức hành xử ngày càng gây bất ổn của Trung Quốc”.

Nguồn: Lombardi Newsletter

Trong khi đó, hôm 17/12, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói nước này đã hành động “chuyên nghiệp và có trách nhiệm” để “ngăn thiết bị này gây nguy hiểm cho tàu thuyền và người đi lại trên biển”. Theo phía Trung Quốc, đây là thiết bị "không xác định", có khả năng “gây nguy hiểm cho các tàu”.

Sau “các cuộc trao đổi hữu nghị”, ngày 20/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trả lại UUV cho Mỹ. Tuy nhiên, vụ việc không dừng lại ở đó. Bởi  Tổng thống đắc cử Donald Trump  đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc là chúng ta không muốn lấy lại thiết bị họ đã đánh cắp. Cứ để họ giữ nó”.

Biện pháp "nắn gân"?

Tới nay, vẫn còn nhiều đồn đoán động cơ phía Trung Quốc khi có hành động thu giữ tàu lặn UUV của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng, động thái thu giữ UUV là phép thử một số tuyên bố cứng rắn mà Mỹ nêu ra cách đây không lâu.

Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Mỹ, ông Harry Kazianis, cho rằng đây là hành động đáp trả của Trung Quốc sau cuộc điện đàm “lịch sử” giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn cũng như các bình luận gây sóng gió của ông Donald Trump về chính sách "một Trung Quốc". Cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) kể từ năm 1979.

Trong khi đó, ông Ngô Sĩ Tồn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông (trụ sở tại đảo Hải Nam – Trung Quốc), nói: “Trung Quốc muốn phát đi tín hiệu rằng nếu anh thăm dò dưới nước và có khả năng đe dọa an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó”. Về phần mình, giáo sư quan hệ quốc tế Vương Nghĩa Khôi thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc) lại nhận định “việc tạm giữ UUV cho thấy sức mạnh quân đội Trung Quốc" và "vụ việc gửi tín hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc có khả năng ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ".

Chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Ashley Townshend tại Đại học Sydney (Australia) cho rằng vụ thu giữ thiết bị lặn là "một trong những hành động bất ngờ nhất mà hải quân Trung Quốc từng thực hiện, thể hiện sự đối đầu với hải quân Mỹ trong suốt thời gian dài". Ông Townshend cũng cho rằng vụ việc này là “bài kiểm tra nghiêm túc cho quan hệ Mỹ - Trung”, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa, ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. 

Theo chuyên gia Harry Kazianis, Trung Quốc có thể thử thách chính quyền Donald Trump quyết liệt sau khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1/2017 như họ từng làm với các chính quyền Mỹ trước đây. Ông cho hay, “Tổng thống George W. Bush bị Trung Quốc thử thách chỉ 77 ngày sau khi nhậm chức năm 2001, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào máy bay trinh sát của Mỹ. Tổng thống Obama bị Trung Quốc thử thách 44 ngày sau khi nhậm chức, khi các tàu Trung Quốc bao vây một tàu hải quân Mỹ. Nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với những điều tương tự”.

Lợi ích xoa dịu bất đồng

Trong thời gian qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Việc ông Donald Trump liên tục phát đi những thông điệp chỉ trích Trung Quốc “phá giá đồng tiền”, “áp thuế cao” lên hàng xuất khẩu Mỹ và “xây dựng tổ hợp quân sự lớn” trên Biển Đông trên mạng xã hội Twitter và các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông đã làm xói mòn lòng tin trong quan hệ Mỹ - Trung. Đặc biệt, việc ông Donald Trump đe dọa bỏ nguyên tắc "một Trung Quốc" để đòi Bắc Kinh có những nhượng bộ quan trọng trong các vấn đề cần đàm phán giữa hai nước đã làm quan hệ song phương xấu đáng kể. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời Donald Trump được bắt đầu trong sự cảnh giác cao độ.

Trung Quốc để ngỏ khả năng xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ do những chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tại cuộc họp báo tổ chức hôm 18/12, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu không loại trừ các kịch bản tiêu cực. “Thời hạn (của các cuộc chiến tranh thương mại) có thể sẽ không kéo dài quá một năm. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa có thể làm giảm số lượng việc làm ở Mỹ”, ông Chu nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù có nhiều bất đồng, hai nước khó có khả năng “trở mặt” thành thù địch do phụ thuộc chặt chẽ nhau về kinh tế. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với kim ngạch song phương lên đến 560 tỷ USD. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ. Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc đang nắm giữ gần 7% nợ công của Mỹ, tương đương khoảng 3.000 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2015 là năm đầu tiên đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Theo Fortune, trước những chỉ trích của ông D. Trump đối với Trung Quốc, tỷ phú Vương Lâm Kiện, chủ tịch Tập đoàn Đại Liên (Wanda) đã nhắn gửi ông D. Trump rằng: "Tôi đã đầu tư 10 tỷ USD và tạo ra 20.000 việc làm tại Mỹ. Số người này có thể mất việc nếu có chuyện không hay xảy ra”.

Toan tính của ông Donald Trump

Bên cạnh đó, mặc dù “mạnh mồm” và “lớn tiếng” trước truyền thông song việc ông Donald Trump chọn Terry Branstad, một nhà ngoại giao kỳ cựu, giữ chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho thấy những tính toán khôn ngoan của ông chủ Nhà Trắng tương lai. Ông Branstad đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình năm 1985 khi lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm Mỹ đầu tiên. Ông Branstad cũng đã nhiều lần tới Trung Quốc và hiểu sâu sắc về quốc gia châu Á này.

Ngoài ra, quan hệ Mỹ - Trung hiện cũng là mối quan hệ có ý nghĩa chiến lược nhất trên thế giới. Cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Yates cho rằng, “ở thời điểm hiện tại”, không có lý do gì để “Mỹ đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại”. Trong khi đó, cố vấn về châu Á của cựu Tổng thống George W. Bush, ông Mike Green, không cho rằng ông Donald Trump sẽ có ý định tiến xa hơn trong vấn đề “một Trung Quốc” vì ông Donald Trump có thể chỉ muốn chứng tỏ ông sẽ không để Bắc Kinh “chỉ đạo” mình trong những vấn đề như Đài Loan.

Nhìn lại quá trình phát triển quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể thấy, từ năm 1972 tới nay, dù có những mâu thuẫn và thăng trầm, quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn phát triển do những lợi ích đan xen khó tách rời của hai nước.