📞

Quan hệ Á-Âu và mối lưu tâm của Mỹ

15:26 | 20/02/2017
Trung tâm nghiên cứu Friends of Europe (trụ sở tại Brussels) mới đây có bài viết mang tựa đề “Mối quan hệ Á-Âu trở thành một ưu tiên trong thời kỳ Trump”. Báo TG&VN xin giới thiệu với bạn đọc. 

Các bên đánh giá quan hệ

Chính phủ các nước châu Á vẫn đang cố gắng tìm cách để hiểu được cách tiếp cận “không thể đoán trước” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực này.

Thật vậy, sau khi chỉ trích cả Tokyo và Bắc Kinh về chính sách thương mại và tiền tệ của các nước này, Tổng thống Trump đã có các cuộc liên lạc mang tính xây dựng với nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng những tuyên bố đầy mâu thuẫn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã cho thấy Washington sẽ mất nhiều thời gian để đề ra một chính sách “sáng suốt” đối với châu Á.

Chính phủ các nước châu Á vẫn đang cố gắng tìm cách để hiểu được cách tiếp cận “không thể đoán trước” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực này. (Nguồn: Friends of Europe)

Do Mỹ đánh giá lại chính sách châu Á của mình, châu Âu cũng cần phải xác định lại mối quan hệ với khu vực này. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ một thực tế là tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á tiếp tục ở mức cao, nhưng những đối kháng về chính trị và sự kình địch cũng không ngừng gia tăng. Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới đây (vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016) là một chỉ dấu quan trọng cho thấy ý nghĩa thực sự của châu Á đối với an ninh toàn cầu.

Chuyến thăm Mỹ vừa qua của Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, mà trong đó hai bên đã thảo luận về tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran, là dấu hiệu đáng hoan nghênh của EU trong giải quyết các thách thức toàn cầu. EU cần phải thể hiện quyết tâm tương tự trong việc xây dựng chính sách độc lập của mình đối với khu vực châu Á, bất chấp sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc. Chính sách này đối với châu Á cần tập trung vào vấn đề thương mại, đầu tư, công nghệ và hỗ trợ an ninh.

3 cách thức hợp tác của Á - Âu 

Mỹ vừa là đồng minh quan trọng, vừa là đối thủ của châu Âu khi Lục địa Già mở rộng mối quan hệ với các nước châu Á. Đây là lúc EU tăng cường hơn nữa các chính sách an ninh, chính trị và thương mại khác biệt của riêng mình tại khu vực châu Á. Vấn đề Brexit (Anh ra khỏi EU) và nhiều cuộc khủng hoảng khác, trong đó có khủng hoảng kinh tế, đã hủy hoại “ánh hào quang châu Âu”. Nhưng có 3 cách thức mà châu Âu và châu Á có thể hợp tác để giảm bớt những lo ngại của thời kỳ Donald Trump.

Đầu tiên, cần phải nhìn nhận rằng châu Âu và châu Á có lợi ích song trùng trong hợp tác về những vấn đề như biến đổi khí hậu, duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và bảo vệ các thể chế đa phương, trong đó bao gồm Liên hợp quốc. Ngoài sức mạnh mềm đáng tin cậy trong các lĩnh vực như kiến tạo hòa bình, ngoại giao phòng ngừa và quản lý xung đột, EU cũng là một đối tác có giá trị đối với châu Á trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải (bao gồm cả các chiến dịch chống cướp biển), chống khủng bố và đấu tranh chống tội phạm mạng. Một vấn đề EU đang mong muốn và nhìn thấy rõ lợi ích đối với an ninh châu Âu đó là trở thành thành viên chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), một diễn đàn thường niên của các quốc gia châu Á mà Mỹ và Nga đã tham gia kể từ năm 2011.

Trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (ASEM), tập hợp hơn 50 quốc gia châu Âu và châu Á, cần thiết hơn bao giờ hết để làm sâu sắc thêm mạng lưới kết nối. (Nguồn: Debating Europe)

Thứ hai, trong bối cảnh chính quyền mới tại Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không quan tâm đến Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), EU nên làm việc tích cực hơn nữa để đi đến ký các hiệp định thương mại tự do vốn đang ở tình trạng “bị treo” với Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Theo Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom, thương mại là điều cần thiết đối với việc làm bởi có khoảng 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu, và đây cũng là một cách để mở rộng “các giá trị và tiêu chuẩn tốt đẹp”. Do đó, Brussels nên nghiêm túc trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đẩy nhanh quá trình đàm phán thương mại với Australia và New Zealand. Quan trọng hơn, EU và các quốc gia châu Á cũng nên nỗ lực để tiếp thêm sức sống mới cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ ba, EU nên thể hiện nỗ lực thật sự nhằm nâng cấp quan hệ song phương với các quốc gia chủ chốt ở châu Á cũng như các tổ chức khu vực. Trong nhiều năm qua, Brussels đã tích cực duy trì hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Những mối quan hệ này có ý nghĩa và đầy ấn tượng nhưng thường xuyên phải hứng chịu tác động bởi các yếu tố tiêu cực khác. Do vậy, các mối quan hệ này cần phải có định hướng, thực chất chiến lược và linh hoạt hơn.

Châu Âu nên có cách nhìn nhận sâu sắc hơn trong các sáng kiến khác nhau mang tầm khu vực ở châu Á như những nỗ lực hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi sự bất đồng về những vấn đề mang tính lịch sử và vấn đề Triều Tiên gây ra mối quan hệ căng thẳng lâu dài giữa ba nước, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh ba bên kể từ năm 2008 và hiện đang đánh giá lại mối quan hệ trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ. Trong khi Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo đang được bàn tới thì Ban thư ký Hợp tác ba bên đặt tại Seoul tiếp tục làm việc nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung giữa ba nước.

Bên cạnh đó, trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (ASEM), tập hợp hơn 50 quốc gia châu Âu và châu Á, cần thiết hơn bao giờ hết để làm sâu sắc thêm mạng lưới kết nối.

Tóm lại, chiến lược toàn cầu của EU cần bao gồm một chính sách ngoại giao kinh tế có chiều sâu và vai trò an ninh lớn hơn của EU tại châu Á. Sự cam kết đó phải được nhanh chóng biến thành hành động. Lịch sử và kinh nghiệm của châu Âu cho thấy châu lục này có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn sự gia tăng, cả ở bên trong và bên ngoài, của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những cuộc xung đột tàn khốc và sự đối đầu.

(theo Friends of Europe)