Tổng thống Israel Reuven Rivlin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải). (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/3, ông Erdogan nói: "Tôi tin rằng để chống lại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần phải sát cánh cùng với cộng đồng quốc tế và phải có lập trường rất cứng rắn, đồng thời tăng cường sự hợp tác chống lại tất cả các hành vi khủng bố. Xét theo khía cạnh đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Israel để chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Đề cập đến các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Brussels của Bỉ hôm 22/3, Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng: "Không thể có những kẻ khủng bố tốt hay xấu. Tất cả bọn chúng đều là tội phạm và chúng ta phải chống lại những hành vi tàn ác này. Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện để những điều tương tự sẽ không lặp lại".
Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề xuất của Tổng thống Rivlin nhằm chuyển lời cảm ơn tới ông Erdogan vì đã gửi thư chia buồn sau khi có ba công dân Israel thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/3.
Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Tổng thống Erdogan nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Israel.
Cùng ngày 23/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "sớm" được bình thường hóa, sau nhiều năm mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước vốn từng là đồng minh thân cận này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jerusalem, ông Netanyahu nêu rõ, hai nước đang có các cuộc thảo luận "có tiến triển" và "một cuộc gặp tiếp theo có thể sẽ sớm diễn ra". Ông hy vọng các cuộc gặp sẽ dẫn đến một kết quả tích cực là khôi phục đầy đủ mối quan hệ giữa hai nước. Ông cũng đánh giá tốt về sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sau vụ đánh bom tuần trước tại Istanbul. Giới chức hai nước hiện hợp tác để điều tra xem vụ tấn công tại Istanbul có nhằm vào mục tiêu người Israel hay không.
Ankara từng là đồng minh chủ chốt của Israel trong khu vực cho đến khi quan hệ giữa hai nước rạn nứt sau vụ lính đặc công Israel tấn công tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ tới Gaza năm 2010, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 10 nhà hoạt động người Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc này dẫn đến việc hai nước cùng triệu hồi Đại sứ về nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đưa ra 3 điều kiện đối với Israel để bình thường hóa quan hệ, bao gồm: dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tàu Mavi Marmara và xin lỗi về vụ việc trên.
Năm 2013, Israel đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân. Đàm phán về bồi thường cho các nạn nhân đã đạt tiến bộ, còn lại trở ngại chính là điều kiện dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza.
Trước đó, các nỗ lực khôi phục quan hệ đã rơi vào bế tắc khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công Dải Gaza năm 2014. Bầu không khí đã cải thiện sau khi các nguồn tin cho biết hai bên đã có các cuộc đàm phán bí mật vào tháng 12/2015 để tìm cách xích lại gần nhau. Cũng trong tháng 12/2015, Tổng thống Erdogan đã đề cập việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cho rằng điều này sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực Trung Đông.