Đạo luật mới coi Trung Quốc là ưu tiên của toàn chính phủ Mỹ ở một mức độ chưa từng thấy. (Nguồn: Shutterstock) |
Mỹ đã thay đổi nhận thức
Ngày 20/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021, đặt ra một cách tiếp cận chiến lược đối với Bắc Kinh.
Đạo luật dài gần 300 trang bao gồm các khía cạnh khác nhau, từ chiến lược ngoại giao, triển khai quân sự, cạnh tranh các giá trị, đến kiềm chế "hành vi kinh tế quốc tế mang tính săn mồi" của Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Đạo luật lưu ý rằng, "rõ ràng là Trung Quốc chọn theo đuổi các chính sách kinh tế trọng thương do nhà nước lãnh đạo - mô hình quản trị ngày càng độc đoán thông qua việc gia tăng các hạn chế đối với quyền tự do cá nhân cũng như một chính sách đối ngoại tích cực và quyết đoán".
"Để đáp lại quyết định chiến lược này của Trung Quốc, Mỹ buộc phải kiểm tra lại và sửa đổi chiến lược”, dự luật nêu rõ các mục tiêu như duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
| CEO tập đoàn tài chính JPMorgan: Cạnh tranh Mỹ-Trung đang ở giai đoạn bước ngoặt Trong lá thư thường niên gửi cổ đông, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đã mổ xẻ những điểm mạnh và điểm yếu ... |
Theo đó, đạo luật này coi Trung Quốc là ưu tiên của toàn chính phủ Mỹ ở một mức độ chưa từng thấy thông qua việc khuyến nghị mọi bộ ngành và cơ quan liên bang chỉ định một quan chức cấp cao điều phối các chính sách xung quanh cuộc cạnh tranh chiến lược của Washington với Bắc Kinh.
"Những vấn đề mà chúng ta đối mặt ngày nay trong chính sách đối ngoại và có lẽ trong thế kỷ 21 sẽ là Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Idaho Jim Risch thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định khi nhắc tới Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021.
"Tôi không hề nói quá về tầm quan trọng của dự luật này", thượng nghị sĩ này đánh giá.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menedez nêu rõ: "Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, không phải vì đó là điều chúng tôi muốn hay cố gắng tạo ra, mà là bởi những lựa chọn mà Bắc Kinh đang đưa ra".
"Ngày nay, Trung Quốc đang thách thức Mỹ và cộng đồng quốc tế trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, quân sự và thậm chí văn hóa, với một mô hình thay thế gây lo ngại sâu sắc cho sự quản trị toàn cầu", ông Robert nói thêm.
Tăng ngân sách, tăng nhân sự
Mỹ cũng đảm bảo rằng, "ngân sách liên bang được điều chỉnh phù hợp với chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc", dự luật nêu rõ.
Theo đề xuất về ngân sách, 655 triệu USD sẽ được tài trợ cho các nước mua vũ khí do Mỹ sản xuất nhằm phục vụ việc huấn luyện cho các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2026.
Các kế hoạch chi tiêu khác trong dự luật bao gồm 300 triệu USD hàng năm cho Quỹ Chống ảnh hưởng của Trung Quốc để hỗ trợ hành động trên diện rộng, từ thúc đẩy sự minh bạch ở các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, đến chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến nhằm chống lại "ảnh hưởng xấu" của Bắc Kinh.
Tin liên quan |
Trung Quốc phản đối trừng phạt của Mỹ với Iran, Mỹ cảnh báo giám sát chặt các vi phạm |
Ngoài ra, Hội đồng Quản trị Phát thanh Truyền hình Mỹ sẽ nhận được 100 triệu USD mỗi năm. Còn Cục Đối tác An ninh mạng và Kết nối Kỹ thuật số sẽ được tài trợ 100 triệu USD để thúc đẩy hợp tác với các nước về công nghệ, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các thị trường mới nổi và thúc đẩy xuất khẩu công nghệ của Mỹ.
Dự luật đã đề cập "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" hơn 100 lần, đồng thời đề xuất tăng cường nhân sự và nguồn lực của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho khu vực trên.
"Chính sách của Mỹ sẽ đảm bảo mức tài trợ của Bộ Ngoại giao và tỷ lệ nhân sự chuyên trách về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này phản ánh mức độ quan trọng và ý nghĩa của khu vực này đối với các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ", dự luật nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước cho biết, Trung Quốc "kiên quyết phản đối" dự luật.
Ông cảnh báo rằng, Washington vẫn thiếu "một chiến lược toàn diện, hiệu quả để thay đổi đường lối của Bắc Kinh và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới trong tương lai dài".