Các tàu chiến Nga đã tiến hành cuộc huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đen ngày 1/7. (Ảnh minh họa. Nguồn: Anews) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế trong ngày:
Biển Đen:
Hải quân Nga huấn luyện bắn đạn thật
Ngày 1/7, Hạm đội Biển Đen của Nga thông báo, các tàu chiến nước này đã tiến hành cuộc huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đen, trong bối cảnh Ukraine và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức tập trận Sea Breeze tại khu vực rộng lớn này.
Hãng Interfax dẫn thông báo trên cho biết, các thủy thủ đoàn của 2 tàu đổ bộ cỡ lớn đã bắn vào các mục tiêu trên biển và trên không ở Biển Đen. Cuộc huấn luyện diễn ra 2 ngày sau khi Nga thử nghiệm hệ thống phòng không ở Crimea.
Cùng ngày, NATO tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đen, bất chấp quan điểm của Nga, đồng thời khẳng định "lập trường vững chắc khi nói đến tự do hàng hải và nhận định Crimea là của Ukraine, không phải của Nga". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
6 vấn đề chiến lược để NATO gia tăng sức mạnh 'thét ra lửa' hậu thượng đỉnh |
Nga theo dõi tàu chiến Italy
Ngày 1/7, Hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đang theo dõi một khinh hạm của Hải quân Italy ở Biển Đen.
Trước đó, Nga cũng đã có "đụng độ" với một tàu của Hà Lan tại khu vực này, theo đó, Amsterdam cáo buộc các máy bay chiến đấu của Moscow tạo ra một tình huống không an toàn cho tàu Evertsen, dù Nga khẳng định mọi hành động của nước này đều "tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận".
Bộ Quốc phòng Anh sau đó bình luận về vụ việc của tàu Hà Lan, cho rằng tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế là quyền cơ bản và "mọi hành vi ứng xử phải an toàn, chuyên nghiệp và phù hợp với luật pháp quốc tế".
Các vụ việc trên xảy ra vài ngày sau khi tàu khu trục Anh HMS Defender cũng vướng rắc rối với Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Nga bắn cảnh cáo tàu Anh trên Biển Đen: Táo bạo nhưng đầy rủi ro? |
Nga-Belarus: Lãnh đạo hai nước điện đàm nhiều vấn đề quan trọng
Ngày 1/7, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã tiến hành cuộc điện đàm về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có sức ép trừng phạt liên tiếp đối với Minsk.
Ông Putin khẳng định, không chỉ là láng giềng tốt, Belarus trước hết còn là "đồng minh thân cận" của Nga và quan hệ giữa hai nước "dựa trên các nguyên tắc ủng hộ và tôn trọng lợi ích của nhau".
Cho rằng các biện pháp trừng phạt Minsk mới đây của các nước phương Tây "vi phạm luật pháp quốc tế", Tổng thống Nga cam kết đoàn kết với Belarus trong việc "chống lại các hạn chế đơn phương bất hợp pháp" cũng như "tiếp tục cung cấp cho người dân quốc gia anh em sự hỗ trợ toàn diện". (Sputnik, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Belarus-EU khủng hoảng: Đúng ý Tổng thống Putin? |
Nga-Mỹ: Mỹ ra điều kiện với Nga, quan chức hai nước có cuộc gặp tích cực
Ngày 1/7, Hãng thông tấn RIA đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan cho biết, ông đã có cuộc hội đàm tích cực với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.
Đại sứ John Sullivan đã trở lại Moscow vào tháng trước sau khi rời Nga hồi tháng 4 do một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Ông cho biết, hai nước đã tham gia vào công tác tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về ổn định chiến lược.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiết lộ, Mỹ yêu cầu Nga phải bắt giữ và trừng phạt những tin tặc đã xâm nhập vào tuyến đường ống và các nhà máy chế biến thịt của Washington trước khi muốn đối thoại về an ninh mạng. (TASS, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bắc Cực: Đấu trường so găng giữa 'Gấu và Đại bàng' |
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hiểu nhau sau phút 'trải lòng'
Ngày 30/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Nga đã có cuộc hội đàm, trong đó, hai bên ghi nhận "kế hoạch xây dựng Kênh đào Istanbul sẽ không ảnh hưởng đến những thông số về sự hiện diện của các lực lượng hải quân nước ngoài ở Biển Đen”.
Bên cạnh đó, Moscow cũng bày tỏ đánh giá cao lập trường kiên định của Ankara trong việc mua S-400 Nga mà Mỹ luôn phản đối và gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt.
TIN LIÊN QUAN | |
Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ 'không thể chối từ' với Nga |
Nhật Bản-Philippines lần đầu tập trận chung
Ngày 1/7, Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila thông báo, các lực lượng không quân của Nhật Bản và Philippines sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung đầu tiên, dự kiến diễn ra từ ngày 5-8/7.
Đây là cuộc huấn luyện chung trên không về cứu trợ nhân đạo vào thảm họa tại Căn cứ Không quân Clark, cơ sở quân sự cũ của Mỹ ở miền Bắc Philippines.
Hai đồng minh của Mỹ này đều có tranh cãi với Trung Quốc liên quan tới việc kiểm soát tàu thuyền và máy bay ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thách thức ở Biển Đông - Động lực để Philippines nâng cấp không quân? |
Bắc Kinh cảnh báo đanh thép tới kẻ thù, Tổng thống Putin ca ngợi Trung Quốc
Sáng 1/7, Trung Quốc đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản nước này tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Tại sự kiện nêu trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng cho hay, thời kỳ nước này "bị đánh bại và ức hiếp đã vĩnh viễn trôi qua" và nước này "sẽ không bao giờ cho phép các thế lực bên ngoài ức hiếp hay áp bức".
Trong thông điệp chúc mừng đối tác thân thiết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi: "Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và mang tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề hiện đại cũng như trong việc chống lại các mối đe dọa và thách thức toàn cầu của thời đại". (TASS, AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Trung Quốc: Bạn thân… ai nấy lo? |
Triều Tiên: Mỹ nắm được tình hình, Bình Nhưỡng thay đổi loạt quan chức hàng đầu
Ngày 1/7, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, dường như Triều Tiên đã tiến hành thay đổi các quan chức hàng đầu trong cuộc họp gần đây của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động, sau khi công bố về một sự cố nghiêm trọng liên quan nỗ lực chống dịch Covid-19.
Liên quan sự cố này, Mỹ cho hay, đã nắm được thông tin nhưng "không có bất cứ bình luận nào". (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng gây khủng hoảng lớn liên quan Covid-19 |
Israel:
Người Israel đồng ý tạm rời khu định cư trái phép Eviatar ở Bờ Tây
Ngày 30/6, Bộ Quốc phòng Israel xác nhận, những người định cư Do Thái đã đồng ý tự nguyện rời khỏi khu định cư trái phép mới được xây dựng trong thời gian gần đây ở Eviatar, thuộc Bờ Tây của Palestine, vào cuối tuần này.
Theo thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Israel với những người định cư, khu định cư trên sẽ không bị phá bỏ và Eviatar sẽ tạm thời được coi là khu quân sự.
Các chủ nhân của khu định cư này sẽ phải chứng minh đây không phải là đất thuộc quyền sở hữu của người Palestine. Trong trường hợp chứng minh được, một ngôi trường Do Thái (Yeshiva) sẽ được xây dựng trên khu đất này và các cư dân sau đó có thể bắt đầu các thủ tục đăng ký sử dụng khu định cư. (Times of Israel)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Israel-Palestine: Phía đợi chờ, bên tìm kiếm |
Israel khai trương Tổng Lãnh sự quán tại UAE
Ngày 30/6, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã khai trương Tổng Lãnh sự quán nước này tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng Israel tới UAE kể từ khi 2 nước ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hồi năn trước.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Lapid cũng đã chính thức khai trương Đại sứ quán Israel tại Abu Dhabi. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Israel chính thức mở Đại sứ quán đầu tiên tại vùng Vịnh, ký thỏa thuận lịch sử với UAE |
Mỹ-Iran:
Iran cáo buộc Mỹ vẫn theo đuổi chính sách gây áp lực từ thời Trump
Ngày 30/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Tehran “đã và đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố kinh tế từ 3 năm trước. Những gì mà ông Trump đã làm với Iran là một cuộc chiến tranh, chứ không chỉ là các biện pháp trừng phạt”.
Cũng theo ông Rouhani, Tổng thống Joe Biden - người kế nhiệm của ông Trump - “tiếp tục phạm phải những tội ác cũ”.
Liên quan quá trình đàm phán hạt nhân, cùng ngày, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Jeffrey DeLaurentis cho biết, một số vòng đàm phán mới đây về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) đã “góp phần làm rõ những lựa chọn” mà Tehran và Washington cần đưa ra để đạt được mục tiêu cả 2 bên cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận này.
Ông DeLaurentis nêu rõ: “Mỹ luôn nỗ lực để đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tin rằng, biện pháp ngoại giao, thông qua sự phối hợp với các đồng minh và đối tác khu vực, là con đường tốt nhất để đạt được mục tiêu đó".
Trong khi đó, ngày 1/7, Đại diện thường trực của Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA Mikhail Ulyanov cho rằng, một số bên tham gia đàm phán hạt nhân Iran cần thêm thời gian trước khi nối lại cuộc thương lượng tại thủ đô Vienna (Áo) và một vòng đàm phán mới khó có thể diễn ra trước tuần tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Không kích Iraq và Syria, Mỹ chuẩn bị cho 'kịch bản xấu' với Iran? |
Tổng thống đắc cử của Iran đề xuất thành lập chính phủ mới
Ngày 30/6, Tổng thống đắc cử của Iran Seyyed Ebrahim Raeisi đã trình thư lên lãnh tụ tối cao Ali Khamenei xin phép thành lập chính phủ mới để thay thế chính phủ sắp mãn nhiệm vào tháng 8 tới.
Trong thư, ông Raeisi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm thành lập bộ máy hành pháp mới trong bối cảnh còn ít thời gian cho công tác bàn giao giữa chính quyền cũ và mới.
Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Raeisi còn đề xuất lãnh tụ tinh thần tối cao ban hành các quyết định cần thiết đối với việc chỉ định Chánh án Tối cao mới để thay thế vị trí của ông vừa để khuyết.