Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Argentina trong cuộc họp báo tại Nhà Hồng. (Nguồn: AFP) |
Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra đã đón tiếp Tổng thống Obama và gia đình tại sân bay ở thủ đô Buenos Aires, ngay sau khi Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Cuba trước đó. Trong ngày làm việc đầu tiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Argentina, đặt hoa tại Nhà thờ thành phố Buenos Aires và gặp gỡ người dân địa phương trước khi dự tiệc chiêu đãi.
Phát biểu với báo giới sau hội đàm với Tổng thống Mauricio Macri tại Nhà Hồng (Phủ Tổng thống Argentina), Tổng thống Obama đánh giá cao những thay đổi hiện nay của Argentina dưới thời Tổng thống Macri, đồng thời nhấn mạnh hai nước có thể trở thành đồng minh quan trọng để cùng chia sẻ những giá trị chung. Ông Obama khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Argentina để quốc gia Nam Mỹ này có thể phát triển và có tiếng nói quan trọng tại khu vực và trên thế giới.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng hoan nghênh nỗ lực “mang tính xây dựng” của Buenos Aires trong thương lượng với các nhà đầu tư, nhằm chấm dứt vụ kiện cáo giữa quốc gia Nam Mỹ này với các chủ nợ tại Tòa án New York, sau khi nước này bị vỡ nợ năm 2001. Vụ các chủ nợ, đa phần là các nhà đầu cơ Mỹ, kiện Chính phủ Argentina là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước luôn căng thẳng trong suốt 2 nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Cristina Fernandez, người tiền nhiệm của ông Macri. Mới đây, Hạ viện Argentina cũng đã thông qua một dự luật cho phép Chính phủ thanh toán cho các chủ nợ giải quyết dứt điểm vụ kiện này, tạo thuận lợi cho Argentina tiếp cận thị trường tín dụng thế giới.
Theo dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác chống khủng bố và tội phạm ma túy. Mỹ cũng xem xét khả năng miễn thị thực cho công dân Argentina như đã từng được thực hiện trước đây.
Phát biểu từ Argentina, Tổng thống Barack Obama cũng kêu gọi các quốc gia đoàn kết sau những vụ tấn công khủng bố tại Brussels (Bỉ) khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 270 người khác bị thương. Ông Obama nêu rõ: "Thế giới phải đoàn kết để chống chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta có thể và chúng ta sẽ đánh bại những kẻ đe dọa hòa bình và an ninh, không chỉ đối với chính người dân của chúng ta mà còn tất cả người dân trên toàn thế giới". Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng tuyên bố rằng cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Washington. Ông khẳng định: "Đây là ưu tiên hàng đầu của tôi".
Trong khi đó, Tổng thống cánh hữu Macri, người theo đuổi mô hình tự do mới, đã cảm ơn ông Obama vì chỉ vài ngày trước khi tới Buenos Aires, Tổng thống Mỹ đã cho phép giải mã các tài liệu quân sự và tình báo có liên quan tới thời độc tài tại Argentina (1976-1983). Thông tin đã được dư luận Argentina hoan nghênh. Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra đánh giá đây là hành động thiện chí trong việc cải thiện quan hệ song phương.
"Việc Tổng thống Obama quyết định công bố các tài liệu mật liên quan đến thời độc tài tại Argentina là hành động rất quan trọng vì nó thể hiện sự sẵn lòng của Chính quyền Mỹ trong việc mở kho lưu trữ và chia sẻ thông tin mà họ có", Ngoại trưởng Argentina nói.
Ông Macri nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Obama thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước và sự ủng hộ của Nhà Trắng với những thay đổi đang diễn ra tại quốc gia này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra và Đại sứ Mỹ tại Argentina Noah Mamet đã dự buổi ký thỏa thuận hợp tác tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, ngăn ngừa tội phạm tài chính, cũng như ra tuyên bố chung ủng hộ hệ thống nhân quyền liên Mỹ và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Mỹ kết thúc với tiệc chiêu đãi cấp nhà nước được Tổng thống Macri tổ chức. Tại đây, Tổng thống Obama đã khiến các khách mời thích thú với điệu nhảy tango điệu nghệ cùng vũ công ngay trên quê hương của vũ điệu này.
Tổng thống Mỹ cùng Đệ nhất phu nhân nhảy điệu tango cùng vũ công trong Quốc yến. (Nguồn: AP) |
Theo dự kiến, ngày 24/3, Tổng thống Obama sẽ tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân thời độc tài nhân dịp 40 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính quân sự cuối cùng ở Argentina (24/3/1976). Liên quan tới vấn đề này, ông tuyên bố Mỹ muốn lấy lại lòng tin đã để mất cách đây 40 năm ở quốc gia Nam Mỹ dưới thời độc tài quân sự.
Argentina đã chuẩn bị kỹ cho chuyến thăm, với việc tiến hành một loạt biện pháp đảm bảo an ninh, đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại Bỉ. Theo đó, khoảng 3.000 nhân viên an ninh được huy động, các trục đường giao thông quanh khu vực Phủ Tổng thống, trụ sở Đại sứ quán Mỹ sẽ bị cấm và nhiều bến xe điện ngầm cũng ngừng hoạt động.
Giới phân tích nhận định, với chuyến thăm này, ông Obama muốn chuyển đi thông điệp đã đến lúc Mỹ quay trở lại Mỹ Latinh, đặc biệt là Nam Mỹ, khu vực từng có thời gian dài được coi là "sân sau" của Mỹ. Chuyến thăm của ông Obama tới Argentina là bước khởi đầu mới cho mối quan hệ mới với chính quyền của Tổng thống Macri. Chính Tổng thống Macri cũng tuyên bố chuyến thăm của ông Obama là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự mở cửa của Argentina với thế giới. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định, Argentina có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Nhà Trắng trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống ma túy tới chống biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Mỹ tới Argentina sau gần 19 năm kể từ chuyến thăm năm 1997 của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện nhanh chóng sau khi Tổng thống Macri lên cầm quyền hồi cuối năm ngoái. Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, kim ngạch thương mại Mỹ-Argentina đạt hơn 11 tỷ USD, song thâm hụt thương mại của quốc gia Nam Mỹ với Mỹ ước lên tới 4,7 tỷ USD. |