Bài 1- Sức sống nơi những vùng đất chết
Những cuộc chiến tranh triền miên đã để lại trên dải đất hình chữ S những di chứng kinh khủng về ô nhiễm bom mìn và tác nhân dioxin, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những đất nước phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề bậc nhất thế giới.
Nỗi đau để lại
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 701, chỉ ước tính trong giai đoạn từ 1964 đến 1975, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Còn theo kết quả điều tra do Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố ngày 3/4/2018, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn.
Số lượng tồn dư các loại bom mìn, vật nổ (BMVN) hiện nay nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc còn 9.116 xã bị ô nhiễm BMVN ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87 tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12/2017 là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Trong số các địa phương phải chịu hậu quả ô nhiễm BMVN nặng nề, tập trung ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ diện tích đất đai tồn lưu BMVN nhiều nhất.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tham gia lễ khánh thành Trung tâm hành động bom mìn Việt Nam (Ảnh do Ban chỉ đạo 701 cung cấp) |
Về nạn nhân bom mìn, theo số liệu của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chỉ tính từ năm 1975 đến 2002, số người bị tai nạn do bom mìn là 105.298 người, trong đó chết 42.135 người (30% là trẻ em), bị thương 62.163 người. 49 trong số 63 tỉnh thành có tai nạn do BMVN gây ra. Còn trong giai đoạn 5 năm gần đây, số người chết và bị thương do tai nạn BMVN là 1800 trường hợp. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng những di chứng của nó để lại đối với người dân và đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam - mới chỉ tính trên khía cạnh vật liệu nổ, bom mìn, vẫn còn hết sức nặng nề.
Tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu hậu quả bom mìn
Trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, tháng 4/2010, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, tập trung mọi nguồn lực của quốc gia, quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đảm bảo an toàn cho người dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2018, gần 3000 dự án rà phá BMVN được thực hiện trên diện tích hơn 90 nghìn ha với tổng chi phí khoảng 2.840 tỷ đồng. Tháng 4/2018, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam – Giai đoạn 1”, đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên phạm vi đất liền toàn quốc, giúp đưa ra những vùng cần ưu tiên tập trung nguồn lực.
Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu bom mìn Quốc gia với nhiệm vụ thu thập các thông tin, dữ liệu về các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) sau chiến tranh trên toàn quốc; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ cho người dân sống xung quanh khu vực khu vực có rủi ro phơi nhiễm; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến những nạn nhân bom mìn thông qua hoạt động của các bộ ngành, các tổ chức như Hội hỗ trợ KPHQBM. Nạn nhân và gia đình nhận sự giúp đỡ thông qua các hoạt động sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng máy móc thiết bị. Trong giai đoạn 2014-2018, khoảng 5000 người được Hội hỗ trợ KPHQBM giúp đỡ bằng nguồn tài trợ từ các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các nạn nhân bom mìn.
Những bàn tay bè bạn
Trên bình diện quốc tế, chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã chung tay góp sức đẩy nhanh tiến độ KPHQBM. Những đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực này là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh và một số tổ chức như Nhóm cố vấn mìn (MAG), Viện trợ nhân dân Na Uy tại Việt Nam (NPA), Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD).
Từ năm 2009 đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ khoảng 5,5 triệu USD để thực hiện 2 dự án rà phá bom mìn. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ hoạt động khắc hậu quả bom mìn tại Việt Nam qua các giai đoạn: từ 2003 đến 2013, thông qua Chương trình hỗ trợ nhân đạo đã chuyển giao các trang thiết bị rà phá bom mìn và hỗ trợ điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn ở 6 tỉnh miền Trung, trị giá khoảng 14,5 triệu USD; từ 2016 đến nay hỗ trợ Việt Nam thực hiện 7 nội dung đã cam kết liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, khảo sát.
Từ nguồn Chính phủ Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) viện trợ 20 triệu USD để thực hiện dự án “Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác KPHQBM sau chiến tranh tại hai tỉnh Quảng Trị và Bình Định”.
Bà Tina Kaidanow, Trợ lý thường trực Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Chính trị và Quân sự đã đến tỉnh Quảng Trị để thăm hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn do Hoa Kỳ tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ quốc tế vào ngày 31/1/2018. (ảnh SNV Quảng Trị) |
Ngoài ra, các tổ chức như Quỹ nhi đồng LHQ-UNICEF, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam/Mỹ Peace Trees Vietnam, tổ chức SODI của CHLB Đức, các tổ chức CRS, RENEW đã tham gia tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở địa phương.
Chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ tiếp nhận cán bộ Việt Nam tham gia một số khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động KPHQBM. Một số chính phủ các nước khác như Hungary, Italia, Ba Lan, Úc, Sri Lanca, CH Sec đang xem xét hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Như vậy, cùng với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của bạn bè, cộng đồng quốc tế đã góp phần làm giảm bớt những hậu quả bom mìn đối với người dân và đất nước Việt Nam, mang lại sức sống cho những vùng đất chết, giúp bớt đi gánh nặng mà di chứng bom mìn đã để lại trên cơ thể đất nước và con người Việt Nam.
(Tiếp bài 2: Vượt qua nỗi đau da cam)