Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới. |
Net zero là gì?
Trong cuộc sống hàng ngày, con người sẽ thải ra môi trường khí thải gây hiệu ứng nhà kính (Greenhouse Gas – GHG). Những khí thải này chính là những tác nhân trực tiếp làm Trái đất nóng lên do chúng ngăn cản năng lượng Mặt trời thoát ra ngoài. Net zero có nghĩa là không làm tăng tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển.
Net zero được tiến hành xem xét đối với tất cả lượng phát thải được tạo ra bởi toàn bộ chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một sản phẩm, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Điều này có nghĩa là sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gián tiếp từ các nhà cung cấp đầu tiên trong chuỗi giá trị đến người tiêu dùng cuối cùng, sự nỗ lực đáng kể trong một thế giới mà các công ty không kiểm soát hết toàn bộ chuỗi giá trị của họ.
Trong quá trình đó, có ba nguồn phát thải khí CO2 lớn là: (i) các phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm đốt nhiên liệu tại chỗ như trong nồi hơi khí, các loại phương tiện và điều hòa không khí; (ii) các phát thải gián tiếp bao gồm từ việc tạo ra điện, nhiệt, làm mát và hơi nước do tổ chức mua và sử dụng; (iii) tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị của một công ty.
Đây là những thứ khó theo dõi và kiểm soát nhưng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát thải của một công ty, liên quan đến các nhà cung cấp đầu chuỗi cung ứng, đi công tác, mua sắm, chất thải và nước cũng như các giai đoạn sử dụng và cuối vòng đời của các sản phẩm và dịch vụ được cung ứng.
Net zero thường được dùng để đề cập đến lượng phát thải CO2 bằng không. Điều đó có nghĩa là nhân loại không được phát thải thêm bất kỳ lượng CO2 nào vào khí quyển để tránh những tác động xấu nhất đến khí hậu.
Theo đó, lượng khí thải carbon cần phải giảm một nửa vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng không vào giữa thế kỷ này. Trạng thái này có thể đạt được bằng cách cân bằng một lượng carbon cụ thể được giải phóng với một lượng bù phát thải carbon tương đương.
Cam kết chung
Hiện nay, Liên hợp quốc (LHQ) đang phát động chiến dịch “Race to Zero” vào năm 2050, với các mục tiêu đưa thế giới đi đúng hướng theo Thỏa thuận Paris của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) nhằm giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Điểm quan trọng trong Chiến dịch là giúp đưa lượng phát thải khí CO2 ròng về 0. Điều đó có nghĩa “bất kỳ lượng khí thải nào cũng đều phải bị loại bỏ khỏi bầu khí quyển”. Có thể loại bỏ chúng xuyên suốt từ chuỗi cung ứng hoặc sử dụng công nghệ thu khí CO2 trực tiếp từ không khí (Greenhouse Gas Removals – GGRs). Cách tiếp theo là trồng rừng, nhưng với điều kiện cây vẫn phát triển tốt trong khoảng 100 năm. Khi đó, rừng mới có thể thu và trữ lượng phát thải carbon.
Ở cấp độ quốc gia, việc đạt tới Net zero đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải từ hoạt động kinh doanh thông thường cùng với việc loại bỏ khí thải carbon trong khí quyển. Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net zero.
Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Cơ quan Năng Lượng Quốc tế (IEA) cho biết việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là “thách thức lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt”.
Tại Đông Á, các nước trong khu vực đều đã cam kết đạt mục tiêu Net zero với những lộ trình khác nhau. Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ đạt mức phát thải đỉnh vào trước năm 2030 và đạt mức phát thải Net zero vào trước năm 2060. Nhật Bản hiện là nước phát thải lớn thứ sáu trên thế giới đã có cam kết đạt mức thải Net-zero vào năm 2050. Hàn Quốc đã thành lập “Ủy ban trung hòa carbon 2050” cam kết đạt phát thải Net zero vào năm 2050.
Trong số các nước Đông Nam Á, Campuchia có cam kết mạnh mẽ không những đạt mức phát thải Net zero mà còn đạt mức phát thải âm vào năm 2030. Trong khi đó, Lào và Myanmar là thành viên của Liên minh Net zero 2050 (Climate Ambition Alliance) đều có cam kết đạt mức phải thải Net zero vào năm 2050. Singapore tuyên bố sẽ đạt mục tiêu sớm nhất có thể vào trước 2050. Tại COP 26 tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Giải pháp tại Đông Á
Như vậy, có thể thấy, trong thế kỷ XXI, việc giảm phát thải tiến tới mục tiêu Net zero vào năm 2050 đã trở thành chủ đề hạt nhân của quản trị toàn cầu, giữ vai trò trọng tâm trong hoạt động ngoại giao của các quốc gia.
Hiện các nước trên thế giới, trong đó có các nước ở khu vực Đông Á đã triển khai nhiều kế hoạch, thông qua các biện pháp “cứng” và “mềm” thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Tất cả các quốc gia đều nhận thức được rằng cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, các nước Đông Á đều dành ưu tiên cao cho việc đạt mức phát thải Net zero. Tuy nhiên, trong phạm vi khu vực Đông Á, để thúc đẩy quá trình này, có thể cân nhắc thêm một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các nước cần nhận thức và triển khai phục hồi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cả trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu. Muốn vậy, các nước phải bảo đảm xây dựng một môi trường quốc tế thuận lợi và tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện cho các nước, các doanh nghiệp hợp tác giảm phát thải GHG.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực. Bởi vậy, các nước cần hết sức kiềm chế, tránh để xảy ra các xung đột quân sự không những làm cho lượng phát thải gia tăng mà còn dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài.
Thứ hai, theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu ngay từ lúc này, từ ngay hôm nay các nước quyết liệt triển khai mục tiêu Net zero thì chi phí còn rất rẻ so với việc nếu chúng ta cứ trì hoãn hành động. Mỗi quốc gia, trong đó có các nước Đông Á, cần vạch ra lộ trình cụ thể phù hợp với điều kiện và khả năng của nước mình cũng như của cả khu vực. Muốn vậy, các nước cần hợp tác và hoàn thiện bộ dữ liệu toàn cầu và khu vực dựa trên số liệu quốc gia về tình hình phát thải, môi trường, nguồn tài nguyên, hệ sinh thái.
Thứ ba, phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải thay thế năng lượng hóa thạch và năng lượng truyền thống bằng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời phải có chính sách đất đai bền vững. Điều này đòi hỏi các nước trong khu vực phải tập trung phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, kể cả trợ cấp để thúc đẩy phát triển theo hướng này trên cơ sở lợi thế của địa phương và khu vực.
Thứ tư, chính phủ các nước Đông Á cần phối hợp thuyết phục các nước phát thải nhiều đóng góp nhiều hơn cho quá trình hạn chế Trái đất ấm lên. Theo “Thỏa thuận Paris”, trong giai đoạn 2020 - 2025, hàng năm các nước phát triển có trách nhiệm huy động 100 tỷ USD tiền viện trợ, hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cấp kết cấu năng lượng và công nghiệp hóa.
Tuy vậy, đến nay, tỷ lệ nguồn vốn viện trợ thực tế rất thấp, hơn nữa kèm theo rất nhiều điều kiện. Trong tiến trình này, cần bao gồm cả việc các nước phát triển hỗ trợ và giúp các nước đang phát triển có được công nghệ xanh, sạch.
Thứ năm, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các nước cần quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư trong tăng trưởng xanh.
Để làm được điều này, các nước trong khu vực cần nhanh chóng sử dụng chính sách thương mại hóa phát thải hay nói cách khác là áp dụng thuế môi trường hay mua bán quyền/hạn ngạch phát thải một cách hiệu quả và hợp lý.
Thứ sáu, chính sách kinh tế xã hội của các nước Đông Á, bao gồm cả chính sách nông, lâm, ngư nghiệp, môi trường và công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ động thực vật và đa dạng sinh học.
Trong khi đó, việc gia tăng tốc độ đô thị hóa đang đe dọa nghiêm trọng tới các khu vực sinh quyển và vườn quốc gia. Bởi vậy, chính sách đô thị hóa cần có sự phối hợp tốt với chính sách phát triển kinh tế xã hội tuân thủ đúng theo nguyên tắc của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WWF) và công ước Sendai.
Thứ bảy, các nước cần hết sức hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp chuyển sang làm đất xây dựng hay cho mục đích khác. Điều này sẽ giúp các nước Đông Nam Á duy trì sự phát triển bền vững của cả khu vực nông nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần có sự giáo dục bồi dưỡng kiến thức cho người dân về cách sống thân thiện với môi trường, về chiến lược phát triển xanh và cách thức sử dụng đất hiệu quả.