📞

Hiệp định Paris: “Cái khó… bó cái khôn”

05:00 | 29/04/2016
Đại diện 175 quốc gia đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhưng việc thực thi mới là vấn đề nan giải.

Giáo sư Jeffrey D. Sachs, Giám đốc Viện Trái đất của trường Đại học Columbia, Giám đốc mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) phân tích về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.

Đại diện của 175 quốc gia đã tham gia Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nguồn: Zmescience

Tháng 12/2015, lãnh đạo các nước trên thế giới đã nhất trí ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bản hiệp định mới đã chính thức được ký thông qua hồi tuần trước tại trụ sợ LHQ ở New York. Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định vẫn là vấn đề đầy nan giải. Chính phủ các nước cần có hướng tiếp cận mới đối với vấn đề này với tầm nhìn dài hạn trên phạm vi toàn cầu nhưng cũng cần phải rất linh hoạt.

Bài toán năng lượng truyền thống

Cốt lõi của thách thức biến đổi khí hậu được cho là vấn đề năng lượng. Khoảng 80% năng lượng trên thế giới hiện nay dựa vào các nguồn nhiên liệu có chứa chất carbon như than đá, dầu mỏ và khí đốt. Các nguồn nhiên liệu này khi bị đốt cháy để sản sinh năng lượng sẽ thải ra khí CO2, gây ra hiện tượng ấm lên của Trái đất. Tới năm 2070, loài người cần một nền kinh tế sạch, không có khí thải carbon để chống lại sự ấm lên của Trái đất trước khi quá muộn.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã ghi nhận các thực tế này, kêu gọi thế giới cần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí CO2, đến mức tối thiểu vào nửa cuối của thế kỷ 21. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn không chỉ đến năm 2030 mà dài hơn, đến giữa thế kỷ 21, với các chiến lược phát triển với lượng khí thải ở mức thấp.

Hệ thống năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch đã được đưa vào sử dụng cách đây 2 thế kỷ, và hiện cần được thay mới hoàn toàn trong vòng 50 năm, không chỉ ở một vài quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu. Do đó, chính phủ các nước cần một hướng tiếp cận mới để phát triển và áp dụng các chiến lược phát triển có lượng khí thải ở mức thấp một cách phù hợp.

Rủi ro năng lượng mới

Có nhiều lý do khiến việc thay thế hoàn toàn hệ thống sản xuất năng lượng cũ bằng hệ thống sản xuất năng lượng sạch trở nên vô cùng khó khăn.

Trước hết, hệ thống sản xuất năng lượng cũ là một hệ thống của nhiều bộ phận và các công nghệ liên kết chặt chẽ với nhau. Các nhà máy điện, đường ống dẫn khí, vận tải biển, đường dây tải điện… đã được kết nối thành một tổng thể hoàn chỉnh. Hệ thống như vậy không thể thay thế từng bộ phận mà đòi hỏi cần thay thế nhiều bộ phận trên toàn bộ hệ thống với sự thiết kế lại để đảm bảo chúng tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn còn những rủi ro lớn về mặt kỹ thuật khi chuyển sang hệ thống năng lượng có mức  khí thải carbon thấp. Mặt khác, yếu tố quan trọng đối với năng lượng phát sinh khí thải carbon thấp là chúng thường nằm ở vị trí xa khu vực có nhu cầu sử dụng năng lượng, khó khăn trong quá trình vận chuyển và chuyển đổi sang điện năng. Với các nhiên liệu rắn, con người có thể vận chuyển đến nơi có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên với gió, năng lượng Mặt trời… vấn đề trở nên vô cùng khó khăn. Ngoài ra, việc chuyển đổi đòi hỏi một khoản chi phí lớn mà không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng được.

Các chuyên gia cho rằng việc loại trừ khí carbon đòi hỏi phải có các chính sách phù hợp trong vòng từ 30-50 năm trong khi các chính trị gia chỉ hoạt động trong thời gian nhiệm kỳ nhất định. Và không phải chính khách nào cũng có thể quyết liệt với một vấn đề đòi hỏi mức chi phí ở quy mô lớn trong cả khu vực công và tư, với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều nền kinh tế khác nhau, trong khi vấn đề chất lượng công nghệ vẫn chưa được kiểm định.

Đó có lẽ cũng là những nguyên nhân tại sao thế giới đạt được quá ít tiến bộ kể từ khi Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ký kết năm 1992 được đưa vào thực hiện.

Do đó, với thỏa thuận khí hậu Paris đạt được lần này, các nước cần khẩn trương triển khai thực hiện và có chiến lược lâu dài.

(theo Project-Syndicate)