Với 41 trang, 79 điểm, Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh NATO đề cập nhiều vấn đề với 3 chủ đề chính: các thách thức, khả năng phòng thủ và củng cố quan hệ nội khối.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội có câu “ý tại ngôn ngoại”, với ý nghĩa đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ là những ngữ nghĩa sâu rộng hơn. Đương nhiên trong lĩnh vực chiến lược an ninh, quân sự thì không thể lấp lửng. Nhưng đằng sau câu chữ Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng ẩn chứa nhiều điều.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO chứa đựng những quan điểm cơ bản, nét mới mang tính chiến lược quân sự, an ninh. (Nguồn: Reuters) |
Thách thức cũ và mới
Nga từ lâu được xem là mối đe quân sự và xuất hiện thường xuyên trong các tuyên bố chung của NATO cũng như của từng quốc gia thành viên. Tuyên bố chung kỳ này khái quát các thách thức từ Nga bao gồm: chiến lược hạt nhân, các hoạt động quân sự (hiện diện sát biên giới Ukraine, Biển Đen, Bắc cực và các khu vực khác), “chiến dịch làm sai lệch thông tin”, hoạt động can thiệp bầu cử ở các quốc gia thành viên NATO.
Tuyên bố chung cập nhật việc Nga coi Mỹ, Czech là 2 quốc gia “không thân thiện”.
Thông qua việc nhấn mạnh mối đe quân sự, NATO gửi “tối hậu thư” cho Nga: sẵn sàng đáp trả việc Nga mở rộng kho vũ khí hạt nhân và quan hệ bình thường (với NATO) chỉ khi Moscow “thể hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của mình”.
Ngoài chỉ trích, NATO thường không đưa ra chứng cứ cụ thể, có thể “đo, đếm” được đối với các cáo buộc Nga “vi phạm luật pháp quốc tế”. Nga phát triển một số đầu đạn hạt nhân và phương tiện mang được cho là để tương xứng với các hành vi không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận của Mỹ.
Tố cáo Nga hiện diện quân sự ở nhiều khu vực, nhưng Mỹ và NATO cũng áp sát không gian Nga bằng hệ thống phòng thủ tên lửa và mở rộng biên giới của khối sát lãnh thổ Nga. Nga có mặt ở Syria theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp. Còn Mỹ và đồng minh là “khách không mời”, được yêu cầu rút khỏi lãnh thổ Syria. Ở đây có cái gọi là tiêu chuẩn kép.
Các nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng, sức nặng của “tối hậu thư” cũng như các tuyên bố khác của NATO không quá lớn. Và phần nào cho thấy NATO lo ngại sức mạnh quân sự của Nga.
Tin liên quan |
Thượng đỉnh NATO: Mỹ hé lộ sáng kiến tham vọng, quan hệ Mỹ-NATO sẽ sang trang, cứng rắn với Trung Quốc |
Tuyên bố chung của NATO năm 2019 đề cập gián tiếp đến Trung Quốc trong phần “cơ hội và thách thức”. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Sarah Raine bày tỏ quan ngại “sẽ gây ra khác biệt rất khó chịu giữa các đồng minh về mức độ Trung Quốc bị coi là mối đe dọa”.
Vượt qua trở ngại đó, Tuyên bố chung kỳ này đề cập “nóng”, “đậm” hơn (10 lần nhắc đến Trung Quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử, NATO đánh giá Trung Quốc là “những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên quy định và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cụ thể hóa các thách thức gồm: thiếp lập hệ thống căn cứ quân sự ở nhiều khu vực, nhất là ở châu Phi, cùng với phát triển lực lượng hải quân, sẵn sàng hiện diện ở Đại Tây Dương.
Thậm chí, Trung Quốc đã hiện diện ngay trong lòng châu Âu thông qua hợp tác, đàm phán đầu tư xây dựng cảng ở Hy Lạp, Đức và tập đoàn viễn thông Huawei. Việc chế tạo đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm xa, vệ tinh và phương tiện bắn hạ vệ tinh, phương tiện tác chiến không gian mạng… càng gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc trên nhiều không gian chiến lược.
Không chỉ vậy, hoạt động diễn tập quân sự chung và tuyên bố hợp tác “liên thủ” Trung - Nga càng làm cho NATO lo ngại. NATO cho rằng Trung Quốc đang triển khai “chiến lược cờ vây” quanh các thành viên của mình.
Từng có ý kiến khi khối quân sự Warsaw tan vỡ, thì không còn đối trọng để duy trì NATO. Nên nhấn mạnh thách thức từ Nga, Trung Quốc cũng là cách biện minh cho lý do tồn tại của NATO, việc gia tăng hoạt động quân sự và tăng ngân sách quốc phòng của các quốc gia thành viên.
Tăng cường khả năng phòng thủ tập thể
Hội nghị thượng đỉnh đưa ra Chương trình nghị sự “NATO 2030”, một sáng kiến toàn diện nhằm bảo đảm cho liên minh sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai. Tuyên bố chung nhất trí “tăng cường khả năng phòng thủ tập thể chống lại tất cả các mối đe dọa từ mọi hướng”, “tiếp tục ứng phó với môi trường an ninh đang xấu đi bằng cách nâng cao khả năng răn đe và thế trận phòng thủ”.
Tuyên bố chung khẳng định và mở rộng phạm vi Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể. NATO thông qua Chính sách Phòng thủ mạng toàn diện mới. Theo đó, trong một số trường hợp, các cuộc tiến công mạng vào một quốc gia thành viên có thể được xem là “tương đương với một cuộc tiến công vũ trang”.
Khi đó, NATO có thể kích hoạt điều khoản hỗ trợ công nghệ, tình báo, thậm chí cả hành động quân sự. Tuyên bố chung lần đầu tiên đề cập việc đối phó với hành động tiến công cơ sở hạ tầng trong không gian như vệ tinh…
Bên cạnh tuyên bố cứng rắn, NATO cũng thể hiện phương châm, như phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel, kết hợp giữa “răn đe” với “đối thoại mang tính xây dựng” với Trung Quốc, tương tự như với Nga.
Tuyên bố chung nêu rõ “chúng tôi hoan nghênh cơ hội hợp tác với Trung Quốc về các lĩnh vực liên quan đến NATO và các thách thức chung như biến đổi khí hậu”. Điều đó phù hợp với xu thế chung và NATO không thể không tính đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Nga, Trung Quốc.
Với những nội dung trên, Tuyên bố chung của NATO chứa đựng những quan điểm cơ bản, nét mới mang tính chiến lược quân sự, an ninh. Phát biểu của Tổng thư ký NATO “chúng ta cần phản ứng phù hợp như một liên minh” thể hiện quyết tâm nhưng cũng cho thấy có những hành động chưa mang tính liên minh.
Tình trạng đó liên quan đến vấn đề đoàn kết nội khối.
Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh NATO thể hiện tinh thần củng cố liên minh, tập trung đối phó với Nga và Trung Quốc. (Nguồn: YouTube) |
Củng cố liên minh
Thực tế, NATO đã có những lùm xùm trong quan hệ giữa Mỹ với đồng minh châu Âu và giữa một số quốc gia thành viên châu Âu, nhất là thời Tổng thống Donald Trump. Trong đó có mức đóng góp tài chính, trách nhiệm của các thành viên châu Âu; giảm quân Mỹ đóng ở châu Âu; cách thức đối phó với Nga, Trung Quốc; mở rộng thành viên; vướng mắc giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp...
Do đó, củng cố liên minh là việc cần thiết.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Joe Biden tuyên bố “bảo vệ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada là nghĩa vụ thiêng liêng với Mỹ”, thể hiện bước ngoặt trong quan hệ với đồng minh so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tinh thần đó làm yên lòng đồng minh và được thể hiện trong Hội nghị.
Mở rộng thành viên cũng là vấn đề dễ gây tranh cãi. Kết nạp thành viên mới cho phép NATO áp sát biên giới, gia tăng sức ép với Nga. Nhưng với tiềm lực quân sự, kinh tế nhỏ bé, cùng với bất ổn nội bộ của những nước mong muốn làm thành viên NATO, thì việc mở rộng kéo theo gánh nặng cho các quốc gia khác. Chưa kể sẽ gây phản ứng mạnh từ Nga.
Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh NATO kỳ này chưa đáp ứng nguyện vọng của Ukraine và một số quốc gia khác. Nhưng NATO vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine để đủ khả năng đối phó với Nga.
Với những nội dung trên, Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh NATO thể hiện tinh thần củng cố liên minh, tập trung đối phó với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khác biệt trong một số vấn đề, giữa một số quốc gia thành viên.
Thực hiện được đến đâu mong muốn kiềm chế sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và thể hiện sự thống nhất trước Nga, của Tổng thống Joe Biden, còn là câu chuyện phía trước.
Nga, Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng cả bằng tuyên bố và hành động, trong đó có việc tăng cường hợp tác song phương và với các đối tác khác.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh NATO cùng đề cập các thách thức từ Nga và Trung Quốc, với màu sắc khác nhau, mức độ khác nhau. Nhưng đều có những động thái liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga, sẽ diễn ra vào ngày mai (16/6).