📞

“Quả ngọt” hậu Thượng đỉnh

06:51 | 08/03/2019
Mặc dù không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, song Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội vẫn có những điểm sáng, thể hiện mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hai bên. 

Washington và Bình Nhưỡng chưa thể đạt được một thỏa thuận tại Hà Nội, nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý gặp lại nhau chỉ sau hơn 8 tháng kể từ Hội nghị lần thứ nhất ở Singapore đã là một thành công.

Những gam màu sáng

Trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá “cuộc gặp lần thứ hai tại Hà Nội là dịp quan trọng để tăng cường lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau cũng như đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một giai đoạn mới”, cả Washington và Bình Nhưỡng đều đã gặt hái được những “quả ngọt” nhất định.

Truyền thông Triều Tiên nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai là một chiến thắng dành cho Nhà Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh của ông Kim trên sân khấu chính trị quốc tế. Tuy không đưa ra được Tuyên bố chung song cánh cửa đối thoại giữa hai bên vẫn đang được để ngỏ. Cùng với việc Washington tuyên bố không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, động thái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội ngày 28/2/2019.

Về phía Mỹ, hơn 20 tỷ USD là tổng giá trị các hợp đồng đã được ký kết với Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị lần này, mặc dù đây chỉ là con số nhỏ so với kim ngạch thương mại đang ngày càng khởi sắc giữa Việt Nam và Mỹ. Nếu như ở thời điểm hai nước bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ dừng ở mức 450 triệu USD đến năm 2018, thương mại Việt - Mỹ đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển tích cực của quan hệ thương mại giữa Hà Nội và Washington.

Với vai trò là nước chủ nhà, mặc dù Hà Nội chưa thể trở thành một cái tên cho thoả thuận hoà bình mang tính đột phá giữa Mỹ và Triều Tiên, song Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực tổ chức một sự kiện quan trọng của tầm quốc tế, với những đòi hỏi nghiêm ngặt về an ninh và hậu cần chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần.

Đóng vai trò then chốt trong sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu, Việt Nam cũng thu về được những thắng lợi về ngoại giao, qua đó củng cố vai trò là một trong những đối tác lớn của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đóng vai trò then chốt trong sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu, Việt Nam cũng thu về được những thắng lợi to lớn về ngoại giao, qua đó củng cố vai trò là một trong những đối tác lớn nhất của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy vị thế trong các vấn đề khu vực.

So với các sự kiện quan trọng khác như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Hội nghị thượng đỉnh lần này thu hút hơn 2.600 phóng viên quốc tế và 218 hãng thông tấn lớn đến đưa tin. Đây là một cơ hội tốt để Hà Nội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và những thành tựu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy du lịch, qua đó thu hút sự quan tâm khổng lồ từ truyền thông quốc tế.

Tiếp nối Hội nghị thượng đỉnh là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Triều Tiên sau 55 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 1964 của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Triều Tiên (31/1/1950-31/1/2020).

Duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin

Việc chưa đạt được thoả thuận được dư luận quốc tế và giới phân tích đánh giá còn tốt hơn việc hai bên đưa ra một thỏa thuận mà không tuân thủ, hay đưa ra những cam kết mơ hồ như tại cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6/2018. Đa phần bày tỏ lạc quan về triển vọng của tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các biện pháp ngoại giao như duy trì đối thoại và xây dựng lòng tin.

“Chúng tôi đánh giá tích cực thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tiếp tục đối thoại Mỹ-Triều. Chúng tôi tin rằng, đối thoại cần được củng cố bằng những bước đi thực tế và phát triển trên cơ sở những tiếp cận thỏa hiệp với sự kiên trì để tạo không khí tin cậy”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Để tìm ra giải pháp cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, việc xây dựng lòng tin giữa Washington và Bình Nhưỡng là một trong những vấn đề then chốt. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh, người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump cho rằng, việc trì hoãn kí kết thỏa thuận thậm chí còn tốt hơn so với việc hai bên cố đưa ra một thỏa thuận tồi.

Đồng tình với việc thúc đẩy đối thoại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá tích cực thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tiếp tục đối thoại Mỹ - Triều. Chúng tôi tin rằng, đối thoại cần được củng cố bằng những bước đi thực tế và phát triển trên cơ sở những tiếp cận thỏa hiệp với sự kiên trì để tạo không khí tin cậy”.

Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu Hàn - Triều tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ), cũng cho rằng, việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận không đáng lo ngại. Thậm chí, ông Kazianis còn nhận định “không có gì tệ hơn việc hai bên ký một thỏa thuận chỉ để đạt được một cái gì đó”.

Chuyên gia David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, hiện là chuyên gia cao cấp Trung tâm Stimson (Mỹ), không tin Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ sớm diễn ra, nhưng vẫn có những động lực ngoại giao và duy trì đối thoại từ cả hai phía. Ông Kim cho biết, hiện có đủ ý chí và những động lực chính trị từ cả hai bên để giữ vững “bầu không khí ngoại giao” hiện nay.

Tuy có nhiều dự báo khác nhau, song hầu hết chính giới, các chuyên gia, học giả quốc tế đều nhận định, chặng đường tìm kiếm một giải pháp bền vững cho tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ rất chông gai. Trong thời gian tới, các biện pháp duy trì đối thoại và xây dựng lòng tin sẽ tiếp tục là hai nhân tố quan trọng góp phần làm “nồng ấm” quan hệ Mỹ - Triều.

Sớm có Hội nghị lần ba?

Những cử chỉ, ứng xử và tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội đã phát đi tín hiệu tích cực về sự tôn trọng và thiện chí hòa giải mà hai nhà lãnh đạo này dành cho nhau.

Từ nụ cười khi chia tay tại khách sạn Metropole, cho đến những thông điệp tích cực mà người đứng đầu Nhà Trắng dành cho Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong buổi họp báo cuối cùng trước khi rời Việt Nam, cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể hy vọng, hai nhân vật chính trị vốn nổi tiếng với phong cách “phi truyền thống” này sẽ cùng ngồi lại vào bàn đàm phán trong tương lai.

Nói về triển vọng thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang rất “nóng lòng trở lại bàn đàm phán” để tiếp tục đối thoại với Triều Tiên. Ông Pompeo cũng kỳ vọng Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Triều Tiên trong vài tuần tới, đồng thời nhấn mạnh cam kết nỗ lực tìm ra những điểm chung mà Mỹ và Triều Tiên có cùng lợi ích.

Mặc dù con đường để đi đến thoả thuận hạt nhân trong tương lai sẽ còn nhiều chông gai, nhưng nếu Washington và Bình Nhưỡng đều thể hiện được thiện chí và duy trì đối thoại, một tuyên bố hoà bình sẽ không còn xa vời.

(tổng hợp)