Lính cứu hỏa tự nguyện Australia đối phó với ngọn lửa ở ngoại ô thành phố Bilpin, New South Wales. (Nguồn: Getty) |
Cháy rừng không phải là chuyện lạ ở Australia. Hằng năm, cứ đến mùa hè với thời tiết hanh khô và nhiệt độ cao, các đám cháy rừng vẫn thường xuyên xuất hiện, đến mức người dân ở đây còn gọi mùa hè là “mùa cháy rừng”. Thường thì các đám cháy rừng này luôn dừng lại ở mức có thể kiểm soát được.
Thế nhưng, câu chuyện năm nay thì hoàn toàn khác. Từ tháng 9/2019, hàng chục các vụ cháy rừng đã bắt đầu bùng phát ở bang New South Wales (NSW) và phát triển tệ đến mức, chính phủ Australia phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 11 vừa qua. Các vụ cháy nhanh chóng lan rộng trên toàn bộ lãnh thổ Australia, khiến việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Sức tàn phá kinh hoàng
Theo trang News.com.au, tính từ đầu mùa cháy rừng 2019 đến nay, tổng cộng khoảng 10 triệu ha rừng đã bị “bà hỏa” phá hủy và hầu hết các bang đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ khu vực Lãnh thổ Thủ đô. Để so sánh, con số này còn gấp đôi diện tích lãnh thổ Bỉ. Ngoài ra, NSW và Victoria là hai bang chịu ảnh hưởng cháy rừng nghiêm trọng nhất. Chỉ riêng bang NSW, gần 5 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi, lớn hơn tổng diện tích Hà Lan.
Có thể nói, đây là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất không chỉ riêng trong lịch sử Australia, mà còn trên cả thế giới nhiều năm qua. Vụ cháy rừng Amazon hồi tháng 8/2019, khiến cả thế giới bàng hoàng, chỉ tước đi khoảng 900.000 ha rừng. Cháy rừng ở bang California (Mỹ) năm 2018 thiêu rụi khoảng 800.000 ha.
Các đám cháy đã thiêu rụi hơn 56.000 km2 đất, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đến nay, những vụ cháy đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 1.500 ngôi nhà bị phá hủy. Đầu năm 2020, có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích khi đám cháy lan đến các trung tâm du lịch sầm uất phía đông Victoria. Hội đồng Bảo hiểm Australia ngày 6/1 khẳng định thiệt hại do hỏa hoạn gây ra đã vượt mốc 485 triệu USD.
Tại các thành phố lớn như Canberra, Melbourne và Sydney bị bao trùm bởi những đám khói màu đỏ cam dày đặc và lây lan sang các khu vực lân cận như New Zealand, dấy lên một thảm họa ô nhiễm môi trường khác. Ngày 1/1 vừa qua, Thủ đô Canberra ghi nhận tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất lịch sử, với chỉ số chất lượng không khí cao gấp 23 lần so với mức nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Hỏa hoạn diễn ra trên khắp sáu bang thuộc Australia và bang NSW phải chịu tổn thất lớn nhất về mặt sinh thái. Theo số liệu của Đại học Sydney, chỉ riêng tại NSW, gần nửa tỷ sinh vật, bao gồm các loài động vật có vú, chim và bò sát có khả năng bị thiêu chết. Trong đó, khoảng 8.000 chú gấu túi koala, chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng cá thể trên lãnh thổ Australia và đáng buồn hơn, khoảng 30% tổng diện tích sống của chúng đã bị xóa sổ.
Theo truyền thông Australia, số lượng động vật bị chết cháy còn có thể tăng lên trong thời gian tới, bởi dẫu thoát khỏi đám cháy nhưng chúng có thể chết do bị đói, khát hoặc sốc nhiệt khi bị mất đi môi trường sống. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại là cháy rừng có thể làm sụt giảm tới mức khó hồi phục số lượng loài động vật chỉ có ở Australia và đang có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như gấu túi.
Anh Simon Adamczyk, nhân viên cứu hộ động vật hoang dã ở thành phố Adelaide, bang Nam Australia bế một chú gấu túi trong khu vực bị cháy trụi gần Cape Borda trên đảo Kangaroo, phía tây bắc Adelaide, ngày 7/1. |
Nguyên nhân do đâu?
Như đã nói ở trên, cháy rừng không phải chuyện lạ ở Australia. Do vào mùa hè, thời tiết tại đây luôn trong tình trạng nóng và khô, tương tự như ở California và Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các đám cháy của mùa hè năm nay khá khác biệt, chúng đến sớm hơn nhiều so với mọi năm. Phó Giáo sư Crystal Kolden, Đại học Idaho (Mỹ), người trực tiếp nghiên cứu về vụ cháy rừng ở Tasmania năm 2018 nhận định rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa cháy rừng lần này là ảnh hưởng của việc Trái Đất đang ngày một nóng lên.
Nhiệt độ cao kỷ lục, hạn hán kéo dài cùng với sức gió lớn đã khiến hỏa hoạn ở Australia lan rộng không kiểm soát. Giữa tháng 12 năm ngoái, cư dân một số vùng xứ chuột túi đã trải qua một ngày khủng khiếp khi thủy ngân nhiệt kế chạm đến con số 41,9°C. Làn sóng nhiệt vẫn tiếp tục vờn quanh miền đông nam, nhiệt độ ở Canberra dự kiến sẽ lên đến 40,6°C trong tuần này.
Rừng bạch đàn vốn phổ biến ở Australia với tinh dầu trong thân cây rất dễ cháy, khi bị bắt lửa loài cây này khiến hỏa hoạn lan nhanh hơn. Chúng còn phụ thuộc vào lửa để có thể giải phóng hạt giống để sinh sôi nảy nở. Do đó, một số hệ sinh thái như rừng bạch đàn nhiều khả năng sẽ có thể khôi phục nhưng không phải loại cây nào cũng có khả năng như chúng.
Theo ông Mike Flannigan, nhà khoa học về cháy tại Đại học Alberta (Canada), vẫn là quá sớm để biết chính xác nguyên nhân làm phát sinh các đám cháy rừng, bởi cháy rừng chỉ mới bùng phát gần đây và hiện mọi cơ quan chức năng vẫn đang ưu tiên dành thời gian kiểm soát các đám cháy.
Dù con người là nhân tố lớn gây hỏa hoạn ở Australia, song những nguyên nhân do tai nạn cũng thường xảy ra như các vụ chập, cháy từ xe cộ hay dây điện. Mặc dù các đầu mẩu thuốc lá còn lại sau khi hút thường không gây hỏa hoạn, song trong điều kiện thời tiết khô nóng, chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, sét đánh vào các khu rừng bị hạn hán cũng có thể là nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Tình trạng trên đã phản ánh sự yếu kém của nước này trong trong công tác giảm lượng khí thải carbon dioxide. Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đang đối mặt với chỉ trích vì cản trở nỗ lực toàn cầu trong việc hoàn thành một quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris trong một hội nghị của Liên hợp quốc tại Madrid vào tháng 12. Bản thân ông Morrison cũng bị phản ứng dữ dội khi ông đi nghỉ ở Hawaii trong lúc ngọn lửa đang tàn phá đất nước, dù cuối cùng ông đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ.
Ngay cả khi thực sự muốn “chuyển mình” về chính sách năng lượng và biến đổi khí hậu, Australia cũng sẽ vấp phải tranh cãi gay gắt trong nội bộ chính phủ, một phần do truyền thống khai thác mỏ và sản xuất than nổi danh bao lâu nay.
Oằn mình chống “giặc”
Thủ tướng Australia Scott Morrison thăm Sarsfield, một thị trấn bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, ngày 4/1. (Nguồn: NYT) |
Thủ tướng Scott Morrison hôm 6/1 tuyên bố sẵn sàng trả "bất cứ giá nào" để giúp cộng đồng hồi phục sau trận cháy kinh hoàng. Chính phủ nước này sẽ rót thêm 1,4 tỷ USD trong hai năm để khắc phục hậu quả.
Australia phụ thuộc rất nhiều vào các nhân viên cứu hỏa tình nguyện, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi có nhiều đám cháy nhất. Lý do là nước này không có một hệ thống quản lý cứu hỏa chuyên nghiệp và tập trung như Mỹ.
Điều này buộc chính phủ Australia phải có những thay đổi về chính sách. Theo đó, tháng 12, Thủ tướng Morrison tuyên bố rằng, các tình nguyện viên bỏ việc để đi chữa cháy sẽ được bồi thường tiền lương. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 3.000 người lính “tự phát” lên đường cứu hỏa ở khắp nơi trên tiểu bang.
Để tăng lực lượng dập lửa ở các địa phương, quân đội Australia đã điều thêm 3.000 binh lính đến các vụ cháy để dập lửa. Đồng thời, Mỹ và Canada cử lính cứu hỏa đến Australia để hỗ trợ.
Theo The Verge, các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện khắc nghiệt và diện tích đám cháy quá lớn, sức người khó có thể dập tắt hoàn toàn, nên chỉ có thể chờ cho ngọn lửa tự tàn đi mà thôi.
Mùa hè ở Australia kéo dài từ tháng 12 đến hết tháng 2 và mùa cháy rừng thường phát triển cực đại vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Vậy nên thảm họa được dự đoán sẽ khó sớm chấm dứt. Mặc dù mới đây, khu vực bờ biển đông Australia, từ Sydney đến Melbourne, đã xuất hiện những trận mưa lớn. Các trận mưa xối xả cũng xuất hiện ở một số vùng của bang NSW.
Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định rằng, nếu các đám cháy ở NSW gặp các đám cháy ở bang Victoria sẽ tạo nên “một ngọn lửa khổng lồ”, khiến tình trạng cháy rừng còn có thể diễn ra tồi tệ hơn bây giờ. Hiện tại, chúng chỉ còn cách nhau khoảng 9 km trong khi nhiệt độ dự kiến tăng trở lại vào ngày 9-10/1.
Hầu hết các vụ cháy lịch sử ở Australia được đặt tên theo ngày xảy ra và đáng nhớ bởi một số yếu tố như mức độ tàn phá và số người chết. Riêng vụ cháy năm 1974 khiến 117 triệu ha rừng bị thiêu rụi thì không được đặt tên do chúng xảy ra ở trung tâm Australia và không gây ảnh hưởng quá nhiều tới cộng đồng, tuy nhiên ba người đã thiệt mạng. - Black Saturday (2009): 173 người chết và 450.000 ha rừng bị cháy - Canberra (2003): 4 người chết và 160.000 ha rừng bị cháy - Black Christmas (2001): 753.314 ha rừng bị cháy - Ash Wednesday (1983): 75 người chết và 310.000 ha rừng bị cháy - Black Friday (1939): 71 người chết và 2 triệu ha rừng bị cháy - Black Thursday (1851): 12 người chết và 5 triệu ha rừng bị cháy |